1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Gần 50 năm qua, bà Sáu đã mưu sinh ở vỉa hè đường Nguyễn Kiệm (TPHCM) với nồi chè truyền thống. Với bà Sáu, bán chè không chỉ vì mưu sinh mà còn là niềm an vui tuổi xế chiều.

Cụ bà mưu sinh gần 50 năm ở vỉa hè Sài Gòn

Chè là món ăn giải nhiệt được người dân Sài Gòn khá yêu thích do thời tiết nóng quanh năm. Chính vì vậy, một quán chè với chiếc đèn dầu đã tồn tại gần 50 năm qua ở chốn vỉa hè đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận).

Quán chè này được bán từ 22h đêm đến 2h sáng và được thắp bằng ngọn đèn dầu nhìn khá cổ xưa. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 1

Quán chè đèn dầu của bà Sáu khá quen thuộc với nhiều người dân Sài Gòn. 

Chủ quán chè là bà Sáu (77 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận). Bà Sáu cho biết mở quán từ khi miền Nam giải phóng đến giờ. Thời điểm bà mới bán ở đường Nguyễn Kiệm chưa có đèn đường. Bà đã dùng đèn dầu để thắp sáng và duy trì đến hiện tại.

Quán chè của bà Sáu chỉ có vài chiếc ghế nhựa ngồi xung quanh nồi chè nhưng do bà làm ngon nên quán khi nào cũng đông khách. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 2

Gần 50 năm bà Sáu mưu sinh bên nồi chè đèn dầu để nuôi gia đình. 

"Bà bán từ năm 1976 đến nay. Cứ 20h là đẩy nồi chè ra đây, xếp bàn ghế rồi bán bên chiếc đèn dầu nhỏ. Khi nào bán hết thì bà dọn về, có khi đến 2h, 3h sáng mới hết. Công việc nhẹ nhàng nhưng giúp bà nuôi con cái trưởng thành", bà Sáu tâm sự. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 3

Cứ 20h đêm bà Sáu dọn hàng ra bán đến gần sáng mới về.

Khi còn trẻ, bà Sáu bán hàng chục loại chè khác nhau với nhiều loại hương vị. Do chè của bà có mùi vị khá đặc trưng nên khách cứ ăn rồi quen dần và liên tục quay lại.

Hiện, do tuổi cao nên bà chỉ còn đủ sức làm các loại chè như chuối chưng, trôi nước, táo xọn, đậu trắng và đậu xanh bột báng với mức giá chỉ có 5 ngàn đồng/chén.

Bà Sáu kể những năm đầu, giá bán một chén chè là 1 hào, sau đó là 2 hào. Sau khi đất nước in tiền giấy thì chén chè được bán với giá vài trăm đồng, dần dần tăng lên 2.000 đồng theo thời gian rồi ổn định giá là 5 ngàn đồng cho tới bây giờ. Bà cho biết chỉ khi nào giá vật liệu tăng cao bà mới tăng giá.

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 4

Mỗi ngày bà Sáu bán hơn 200 chén chè.

“Bà bán 5 ngàn đồng tại vì giá phù hợp với túi tiền của khách. Mình bán chè mà nếu bán cao quá thì đâu ai mua, chỉ khi nào mà bỏ bịch mang về thì bà bán 10 ngàn đồng/bịch vì một bịch mang về bà bán tương đương 2 chén chè. Chỉ có như thế bà mới lấy 10 ngàn đồng”, bà Sáu chia sẻ.    

Bà Sáu là người vui tính và chu đáo. Mỗi khi múc chè cho khách, bà đều lau chén và thìa cẩn thận. Dưới mỗi nồi chè bà lại kê thêm bếp lò để chè lúc nào cũng được làm ấm và dậy mùi.

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 5

Cây đèn dầu cũng là điểm nhấn để thu hút khách đến với quán chè của bà Sáu. 

Không chỉ rẻ mà gánh chè của bà Sáu còn thu hút thực khách bởi chiếc đèn dầu. Chính ánh sáng truyền thống này đã làm mọi người luyến lưu. Để rồi mỗi tối, nhiều người đã tìm tới quán chè của bà, vừa ăn chè vừa nói chuyện.

Mỗi tối, ánh sáng của ngọn đèn dầu tạo ra một không gian ấm áp, thân thuộc như đang ăn uống trong gia đình.

“Hồi xưa, bà bán thì đâu có đèn đường, xa xa may ra mới có 1 cái nên tối lắm. Bà xài đèn dầu cho nó sáng để có thể nhìn thấy mà bán. Đốt đèn dầu riết rồi quen, đến giờ dù đã có đèn đường nhưng bà vẫn còn đốt đèn dầu”, bà Sáu chia sẻ thêm. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 6

Mỗi chén chè bà Sáu bán chỉ 5.000 nhưng hương vị khá thơm nhưng không quá ngọt.

Những nồi chè được bà Sáu chuẩn bị vào đầu giờ chiều mỗi ngày. Bà tự đi chợ mua vật liệu về ngâm rồi nấu. Đến 20h thì bà dọn hàng ra và bán đến khi hết chè thì bà mới dọn về. Có những khi vào mùa mưa, khách ít, bà phải ngồi bán đến gần sáng mới dọn hàng về. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 7

Bà Sáu cho biết bán chè như một niềm vui để an vui tuổi xế chiều. 

Mặc dù bà Sáu được nhiều người ủng hộ nhưng số tiền lời cũng chỉ đủ giúp bà trang trải cuộc sống. Chúng tôi hỏi bà tại sao bà lớn tuổi như vậy mà không ở nhà nghỉ ngơi an hưởng tuổi già thì bà từ tốn nói:

“Bà gắn bó với nồi chè này mấy chục năm rồi nên giờ bà còn sức khỏe thì bà bán hoài, chứ giờ già mà ở không thì buồn lắm. Ra đây được gặp mấy cháu trẻ, vừa ăn vừa nói với bà nên bà cảm thấy vui hơn. Bây giờ bà cứ bán hoài hoài như thế này đến khi nào bà bán hết nổi nữa thì thôi, lúc đó bà nghỉ bán”, bà Sáu cho hay. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 8

Bà luôn tươi cười mỗi khi múc chè cho khách. 

Bà Sáu cho biết, cái khó trong việc bán chè là phải nấu sao cho chè thơm nhưng đừng ngọt quá vì ngọt quá thì ăn sẽ mau ngán. Đến giờ đã mấy chục năm mà bà vẫn phải một mình nấu mấy nồi chè chứ con cái hay cháu chắt thì chỉ có phụ được thôi chứ không thể nấu được.

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 9

Các bịch chè mang về được bà bán 10.000 đồng vì số lượng chè gấp đôi so với chén. 

Giữa thành phố đầy năng động việc tồn tại một quán chè nhỏ với ánh đèn dầu thân quen quả thực là một điều giản dị và thân thương. Nhiều thực khách khi đến gánh chè này đã cảm thấy ấm lòng và nhớ về tuổi thơ của mình. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 10

Thỉnh thoảng bà Sáu lại châm dầu cho ngọn đèn được sáng hơn. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 11

Mọi chén chè đều được bà lau sạch sẽ nên khách ăn chè khá yên tâm. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 12

Bà Sáu cho biết nếu còn sức khỏe và sẽ bán chè đến hết cuộc đời. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 13

Quán chè khi nào cũng khá đông khách. 

Cụ bà, nồi chè và gần 50 năm tuổi nghề nơi vỉa hè Sài Gòn  - 14