TPHCM:

Covid-19 diễn ra trong 2 năm, cuộc sống của ông già lái xe ôm bị đảo lộn

(Dân trí) - Vợ mất sớm, ông Trần Văn Hưng chọn nghề lái xe ôm để kiếm tiền nuôi con bị bại não. Tuy vậy, 2 năm dịch Covid-19 qua, đời sống cha con ông đã bị đảo lộn vì nhiều tháng không có thu nhập.

Cuộc sống của người lái xe ôm bị đảo lộn vì Covid-19

Vắng dần những cuốc xe

Ông Trần Văn Hưng (58 tuổi) làm nghề xe ôm truyền thống ở TPHCM từ nhiều năm qua. Vợ mất sớm, ông cùng người con trai dị tật ở trọ trong căn phòng nhỏ tại 57/1A1 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Mỗi tháng, ông phải chắt chiu từng chút để trả số tiền thuê trọ 2 triệu đồng.

"Suốt 14 năm qua, từ khi vợ mất, thu nhập của tôi suy giảm đáng kể, không đủ chi phí để trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Khi chưa có dịch, ngày tôi kiếm được từ 80.000-100.000 đồng. Bây giờ dịch bùng phát, ngày không có cuốc xe nào luôn, cả tháng không có thu nhập", ông buồn bã nói.

Covid-19 diễn ra trong 2 năm, cuộc sống của ông già lái xe ôm bị đảo lộn - 1

Ông Trần Văn Hưng buồn bã vì nhiều ngày không có việc làm, không có thu nhập khiến đời sống bị đảo lộn.

Dù việc vất vả, thu nhập bấp bênh nhưng ông vẫn cố bám trụ với nghề vì không thể kiếm được việc mới. Hai năm qua, khi dịch bùng phát, ông đã tiêu sạch số tiền tiết kiệm và đôi khi phải sống nhờ sự thương yêu của bạn bè.

"Thời điểm hiện tại, tôi chủ yếu ở nhà chăm con là chính vì không có khách. Các khách khi có nhu cầu sẽ gọi điện thoại nhưng dạo này có khi cả tuần tôi không nhận được cuộc gọi nào. Chưa khi nào khó khăn như 2 năm nay", ông Nguyễn Văn Hưng tâm sự.

Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đã hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông mấy mươi năm bươn chải. Tuy vậy, chưa có giây phút nào ông nghĩ sẽ buông xuôi.

Covid-19 diễn ra trong 2 năm, cuộc sống của ông già lái xe ôm bị đảo lộn - 2

Người con trai đã 34 tuổi nhưng bị bệnh bại não nên ông Nguyễn Văn Hưng phải chăm sóc như một đứa trẻ.

Ông Nguyễn Văn Hưng không thể chạy Grab vì con trai bệnh tật, ông không thể xa nhà lâu. Chạy Grab thường phải chạy nhiều, chạy xa.

"Có một lần, tôi nhận chở khách ra cảng Cát Lái. Trời mưa to tôi không về được. Khi tạnh mưa, tôi về thì phòng trọ bị ngập, con tôi đang phải ngâm mình trong nước. Tôi đã khóc và không quên được hình ảnh ấy", ông nhớ lại.

 Trông chờ "phao cứu sinh"

Chia sẻ thêm về việc mưu sinh trong 2 năm bị dịch dã vừa qua, ông Nguyễn Văn Hưng thở dài. Ông không ngại khó, ngại khổ nhưng cuộc sống nhiều khi... khá bế tắc. Dịch Covid-19 còn hoành hành, nỗi buồn trên mặt ông vẫn hằn sâu.

Covid-19 diễn ra trong 2 năm, cuộc sống của ông già lái xe ôm bị đảo lộn - 3

Thức ăn của hai cha con là chút rau xào để tiết kiệm chi phí.

"Lúc này tôi thực sự khó khăn vì mất thu nhập. Người dân giờ ai cũng ở nhà nên tôi cũng không biết khi nào cuộc sống ổn định trở lại. Lúc trước cơm còn có cá thịt, giờ chỉ cơm rau qua ngày", ông chia sẻ.

Có những khi quá thiếu tiền sinh hoạt, ông lại chạy khắp nơi vay mượn bạn bè để mua thuốc, mua cơm cho con. Người con trai của ông dù đã 34 tuổi nhưng vẫn cần ông chăm sóc như một đứa trẻ. 

Địa phương nơi ông thuê trọ cũng có hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 2 cha con trong thời gian dịch bệnh năm qua. Dù vậy, mong ước của ông vẫn sớm được đi làm trở lại để có thu nhập, tự chủ cuộc sống. Ông có thể nhịn ăn trong ngày nhưng người con trai thì không.

Covid-19 diễn ra trong 2 năm, cuộc sống của ông già lái xe ôm bị đảo lộn - 4

Nếu nhận được hỗ trợ, đời sống ông Nguyễn Văn Hưng sẽ giảm bớt gánh nặng hơn.

"Tôi có nghe nói UBND TPHCM sắp có gói hỗ trợ cho lao động mất thu nhập như tôi. Nhưng tôi chưa có tạm trú không biết có được hỗ trợ không. Nếu có được số tiền hỗ trợ thì tôi rất biết ơn, vì tôi có thể vượt qua khó khăn trước mắt", ông Nguyễn Văn Hưng cho biết.

Theo ông, gói hỗ trợ là rất cần thiết đối với những người lao động tự do. Nhờ vậy, ông có thêm niềm tin, sức mạnh, tin tưởng vào những chính sách của Nhà nước để vượt qua đợt dịch lần này.