TPHCM:
Covid-19 khiến hành trình bán bánh bông lan của cụ bà 70 tuổi dài hơn
(Dân trí) - Nhiều buổi tối của những ngày giãn cách toàn TPHCM, người phụ nữ tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn cặm cụi đẩy chiếc xe bán bánh qua nhiều con phố, lòng nặng trĩu bao nỗi lo cơm áo…
Phố vắng, bán gì cũng khó
Một ngày trung tuần tháng 6, mới hơn 20h mà tuyến đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM) đã thưa thớt người, xe qua lại. Trước đây, tuyến đường này rất nhộn nhịp lúc về đêm.
Trên vỉa hè, bà Nguyễn Thị Hạnh (70 tuổi) khập khiễng đẩy chiếc xe nhỏ chất đầy những hộp bánh bông lan. Bà nhìn quanh tìm khách. Cứ qua cổng nhà ai mà thấy có người là bà đi chậm lại để mong có ai đó gọi mua. Dù đôi chân không lành lặn, mỗi ngày bà vẫn lội bộ đẩy chiếc xe này đi bán bánh khắp các tuyến đường lớn khu vực quận 1 và quận 4.
Bà Nguyễn Thị Hạnh đã làm nghề nướng bánh bông lan được 18 năm. Người con gái duy nhất cũng nối nghiệp bà, mở một tiệm nhỏ ở cuối đường Phạm Hùng (quận 8).
Trước dịch, mỗi ngày tiệm của mẹ con bà bán được 5 thùng bột, nay giảm xuống 3 thùng mà bán cũng không hết. Thu nhập ít ỏi, bà đẩy xe bánh đi khắp nơi để bán phụ con.
Trước khi giãn cách, bà hay bán ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Nơi này đông người mua ủng hộ nên hết rất nhanh. Từ ngày giãn cách, phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng bóng người, bà cũng không ghé nữa. Hành trình một ngày của bà vì thế mà dài hơn.
Có hôm bà phải đi khắp quận 4, vòng về Nguyễn Thái Học, đổ dài ra Trần Hưng Đạo, rồi lại lang thang ở khu vực chợ Bến Thành.
Bà Nguyễn Thị Hạnh có 3 đứa cháu ngoại, một đứa cháu cố, tổng cộng 6 người cùng sống chung trong căn phòng trọ. Khi bán buôn ế ẩm, chi phí sinh hoạt của gia đình thiếu trước, hụt sau. Bà càng phải cố gắng đi nhiều hơn với hy vọng bán thêm được cái bánh, kiếm thêm được mấy ngàn đồng tiền lời…
Phải cố gắng vì con, vì cháu
Tâm sự với PV, bà Nguyễn Thị Hạnh nói: "Mỗi tháng, chúng tôi trả tiền thuê mặt bằng 3 triệu đồng, tiền thuê trọ 3,5 triệu đồng và chưa kể phí điện nước. Trước dịch, chúng tôi làm cũng đủ sống nhưng giờ phải tiết kiệm tối đa. Mỗi ngày đi chợ, tôi chỉ được tiêu đúng 100.000 đồng cho 6 người ăn, tiết kiệm dữ lắm!".
Nói thêm về lý do vẫn bán ngoài đường những ngày này, bà Nguyễn Thị Hạnh trải lòng: "Tôi nghe người ta nói dịch bệnh này người trên 60 tuổi phải ở nhà. Nhưng mỗi ngày đều phải ăn uống, rồi trăm thứ tiền đều nhờ vào mấy cái bánh bông lan này. Cháu tôi còn nhỏ quá, đâu thể ngồi yên nhìn tụi nó thiếu ăn thiếu mặc".
Lúc nhỏ, bà phải trải một cơn sốt bại liệt nên chân phải bị tật, càng lớn tuổi chân càng teo nhỏ lại khiến việc đi lại khó khăn. Những khi bán hàng, bà phải tỳ người lên xe đẩy đi cho vững.
Tuổi cao lại đi bộ nhiều, bà bị khô khớp gối nên việc di chuyển càng khó khăn hơn. Vì mấy đứa cháu nhỏ, bà vẫn đều đặn đẩy xe bánh đi hàng chục km mỗi ngày để kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Có đêm về đau nhức không thể nào ngủ nổi.
Dịch bệnh bùng phát, bà đi bán bánh cũng phải cố gắng giữ gìn. Đến khu nào, bà cũng hỏi thăm người dân xem tuyến đường đó có phong tỏa không để tránh. Bà tặc lưỡi: "Lỡ mắc bệnh lại khổ con, khổ cháu".
Kể chuyện đến lúc khó khăn, bà Nguyễn Thị Hạnh lại thở dài nhớ về người chồng đã mất năm 2017. Chỉ chùng xuống một lát, bà lại vui vẻ trở lại vì sợ "người già buồn nhiều dễ bệnh". Mỗi lúc mệt, bà nhớ đến đám cháu nhỏ ở nhà.
Bà tâm sự: "Cuộc sống tuy vất vả nhưng nhìn con cháu quây quần là hạnh phúc vô cùng. Về đến nhà mệt rã rời nhưng thấy đám cháu nheo nhóc là tôi vui trở lại ngay. Đó là động lực mỗi ngày của tôi".
Một số hình ảnh PV ghi lại công việc đi bán hàng của bà Nguyễn Thị Hạnh: