1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Covid-19: Người lao động trên khắp thế giới lao đao với nỗi lo ”cơm áo”

Bên cạnh nỗi lo mắc Covid-19, người lao động khắp nơi trên thế giới cũng đối mặt với sức ép về “miếng cơm manh áo” do không có thu nhập.

Tới thời điểm hiện nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 3 tỷ người đang bị cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh nỗi lo nhiễm loại virus nguy hiểm này, người lao động khắp nơi trên thế giới cũng đối mặt với sức ép về “miếng cơm manh áo” khi Covid-19 khiến họ rơi vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập.

Covid-19: Người lao động trên khắp thế giới lao đao với nỗi lo ”cơm áo” - 1

Ảnh minh họa: Reuters.
 

Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ ngày 17/ 3 vừa qua tại Iraq khiến nhiều doanh nghiệp phục vụ các mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa, làm nhiều người mất việc làm và thu nhập.

Anh Raed Ali - một người làm việc tại cửa hàng quần áo tại Basra cho biết, trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu, lương của anh có thể giúp đảm bảo chi tiêu cho cả gia đình. Tuy nhiên dịch bệnh hiện giờ khiến anh không có khoản thu nhập nào khác.

“Kể từ khi cửa hàng đóng cửa, tôi ngồi ở nhà và chả làm được gì. Thực sự lo lắng và tôi còn không biết khi nào dịch sẽ kết thúc”, anh Raed Ali chia sẻ.

Số phận cuả anh Ali - một công nhân xây dựng cũng không khá khẩm hơn: “Tôi là công nhân xây dựng và tôi có lương theo ngày công. Do dịch lan rộng hiện giờ tôi không có việc làm. Giờ tôi đang phải sống nhờ vào trợ cấp của các tổ chức nhân đạo”.

Không chỉ những công nhân nghèo tại các nước kém phát triển, những nền kinh tế lớn cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thất nghiệp nghiêm trọng. Với việc trở thành nước dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm bệnh, số người dân Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tăng cao kỷ lục với hơn 3 triệu người.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng mạnh đã đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn tăng trưởng lịch sử của thị trường việc làm Mỹ.

Với tình hình dịch còn kéo dài, chị Ali Nelson-một giáo viên dạy nhảy bị mất việc làm gần đây chia sẻ những lo lắng cho tương lai của gia đình mình: “Thật sự rất khó khăn. Tôi có 2 đứa con đi học. tôi không nghĩ phải trải qua thời điểm này. Tôi biết không chỉ tôi mà còn hàng triệu người thế giới đang phải đối mặt với khó khăn. Giá cả tiếp tục tăng trong khi tiền lương không có”.

Với việc sẽ có thêm các quốc gia thông báo lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của virus, số người thất nghiệp trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng.

Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế Guy Ryder cảnh báo, đây không còn là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Dịch Covid-19 dẫn đến cuộc khủng hoảng thị trường lao động nghiêm trọng. Dự kiến dịch Covid-19 có thể đẩy 25 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh thất nghiệp nếu các chính phủ không nhanh chóng hành động.

Trong bối cảnh dịch chưa biết khi nào kiểm soát được và thiệt hại rất lớn, chính phủ các nước cũng đang tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 28/3 yêu cầu những nhân viên không làm trong lĩnh vực thiết yếu nên ở nhà trong 2 tuần. Tuy nhiên những nhân viên này vẫn được nhận lương như bình thường nhưng có thể sẽ phải làm tăng ca sau đó. Chính phủ Anh cũng vừa tung ra cơ chế hỗ trợ nền kinh tế trong đó cho cả những người lao động tự làm chủ, theo đó trợ cấp cho những người bị ảnh hưởng có thể lên tới 3.000 USD một tháng.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: “Bất chấp các bước đi quyết liệt, sẽ còn nhiều thách thức phía trước. Chúng tôi không thể bảo vệ từng việc làm hay từng cá nhân doanh nghiệp được. Tuy nhiên các biện pháp chính phủ đưa ra sẽ hỗ trợ hàng triệu gia đình, doanh nghiệp và cả những lao động tự làm chủ, vượt qua thời điểm khó khăn”.

Một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp đang kêu gọi những người lao động mất việc tạm thời trợ giúp ngành nông nghiêp đang bị khủng hoảng thiếu nhân lực trong mùa thu hoạch, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế, trong đó có khoản hỗ trợ đối với những người lao động bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức từ thiện hay nhân đạo cũng phát động chương trình phân phát thực phẩm hay các nhu yếu phẩm cần thiết cho những người không có thu nhập tại một số quốc gia kém phát triển.

Theo Phạm Hà/VOV.VN