Người lao động hóng lương: "Em ơi, đừng rơi nữa!"
(Dân trí) - "Lương ơi, đừng rơi nữa/Em có còn nhiêu đâu/ Dạ anh giờ đói lắm/Đầu tháng đã hết tiền!", Minh Sơn chế thơ kèm bức hình "nhịn đói" chờ 20/9 đến ngày lĩnh lương...
Minh Sơn, 26 tuổi, nhân viên kinh doanh tại một công ty nhôm kính ở Quận 11, TPHCM chế theo bài thơ "Mưa" mình hay được nghe hồi nhỏ để nói về nỗi lòng của trong những ngày khó khăn, dịch bệnh khiến lương thưởng, thu nhập "down" mạnh: Mong lương đừng giảm và đừng chậm nữa!
"4 tháng qua, lương mình giảm lần lượt từ 10% đến 15% và bây giờ là 25%, đến này còn tầm hơn 8 triệu đồng. Chưa hết, trước đây công ty trả lương đầu tháng, mấy nay đến giữa tháng cũng chưa thấy động tĩnh gì", Minh Sơn cho biết.
Kế toán mới thông báo tháng này 20/9 mới có lương, cậu đang nhấp nhổm đếm từng ngày, chỉ mong lương đừng lùi xa thêm nữa.
Chờ lương là tâm trạng khó diễn đạt bằng lời đối với người lao động, còn việc chậm lương thực sự là nỗi ám ảnh với bất cứ ai.
Bình thường, chờ lương mỗi tháng đã đủ thấp thỏm, nhấp nhổm, sốt ruột... còn trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh với rất nhiều xáo trộn, trạng thái chờ lương lại càng trở nên căng thẳng, khắc khoải hơn.
Lúc này, không chỉ là đến tháng tiền vào tài khoản mà tiền lương muôn màu muôn vẻ với từng hoàn cảnh. Có người bị giảm thu nhập, bị nợ lương, chậm lương hoặc có người mất việc, đã nhiều tháng rồi không biết mùi "ting ting".
Trong khi có vô số khoản chi tiêu vẫn luôn thúc sát người lao động như tiền ăn, tiền nhà, lãi ngân hàng...
Những "ảnh chế" về tâm trạng chờ lương, hóng lương được chia sẻ, lan truyền trên các trang mạng xã hội là một cách để mỗi người gửi gắm tâm trạng, cũng để tự trào phúng, hài hước đôi chút trong những ngày dài ở nhà giãn cách, chống dịch. Mỗi dòng trạng thái với những "ảnh chế" vui thường nhận được nhiều bình luận sôi nổi, hào hứng.
Trên mạng xã hội, đặc biệt tại các diễn đàn nhân sự, công sở, công nhân... chuyện "hóng lương" càng thu hút mọi người với rất nhiều biểu cảm, trạng thái.
Nhiều khái niệm quanh vấn đề lương trong hoàn cảnh mới càng trở nên da diết hơn bất cứ lúc nào như: Tiếng yêu tha thiết không bằng hai tiếng "ting ting"; 3 tiếng cao cả hơn cả "Anh yêu em!" là "Lương đã về!"; Âm thanh có sức sống nhất là tít tít từ ngân hàng; Món ăn thèm nhất trong mùa dịch là lương đúng ngày; Cứu trợ lớn nhất là còn có việc để làm, còn có lương để nhận...
Hay như một bạn gái ở Bình Dương mất việc làm đăng bức ảnh chế "Tôi thấy lương về trong giấc mơ" kèm trạng thái: "Chia tay bạn trai 3 năm nay vẫn sống khỏe, chia tay "anh lương" mới 3 tháng, em sắp.... cạn hơi thở!"
Từ khát khao về lương, nhiều người cũng động viên nhau chăm chỉ làm việc để giữ việc, giữ lương, tránh rơi cảnh thất nghiệp.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 đã lên mức 2,62%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý trước.