Có nên thay đổi công việc ở tuổi 30?

Độ tuổi 30 được xem là cột mốc cho sự ổn định trong công việc. Song, không phải ai cũng may mắn có được một công việc như ý.

Nếu một ngày nọ, chợt nhận ra giấc mơ sự nghiệp không nằm ở những thứ mình đang nắm giữ, liệu bạn có dám đánh đổi để rẽ hướng khác hay không? Rẽ hướng sự nghiệp là một quyết định quan trọng, đặc biệt với những ai đã qua tuổi 30.

Theo các chuyên gia nhân sự, người lao động (NLĐ) hãy cân nhắc kỹ các yếu tố với nhiều khía cạnh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Đầu tiên, NLĐ cần trả lời cho câu hỏi: Lý do rẽ hướng của mình có đủ mạnh không? Khác với lúc mới 20 tuổi chưa có gì trong tay thì đến ngưỡng tuổi 30, chúng ta đã phần nào trải đời và nỗi lo được - mất cũng tăng lên nhiều so với trước.

Bởi vậy, việc tìm ra một lý do thực sự vững chắc để rẽ hướng sự nghiệp vào thời điểm này không hề dễ. Hãy tự hỏi đó có phải là con đường mình muốn theo đuổi lâu dài không, hay chỉ là ý thích nhất thời? Liệu có dễ chán nản khi công việc không suôn sẻ như mong đợi của bản thân? Lý do càng vững chắc bao nhiêu, NLĐ lại càng có thêm động lực để không bỏ cuộc giữa chừng.

Có nên thay đổi công việc ở tuổi 30? - 1

Độ tuổi 30 là cột mốc cho sự ổn định trong công việc

 

Cân nhắc lợi và hại khi muốn rẽ hướng cũng là việc nên làm. Xem xét ưu - nhược điểm khi rẽ hướng cũng giúp bạn có được quyết định sáng suốt hơn cho bản thân. Một trong những thế mạnh ở tuổi 30 là NLĐ đã có kinh nghiệm và kỹ năng của nghề nghiệp trước. Đây là lợi thế khi bước sang một lĩnh vực khác. Bạn sẽ nắm bắt quy trình làm việc nhanh hơn, đồng nghiệp cũng phần nào nể trọng vốn sống mà bạn có, nên tiếng nói của bạn sẽ có sức nặng hơn đối với họ.

Tuy nhiên, bất lợi lớn sẽ đến từ vấn đề phúc lợi. Dù về lâu dài, NLĐ có phát triển tốt thế nào thì mức thu nhập khi mới bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực mới cũng sẽ kém hơn so với công việc trước đó. Nếu bạn đang có một gia đình để chăm lo, hay đã quen với lối sống thoải mái nhờ công việc ổn định cũ đem lại, hãy chuẩn bị tâm lý kỹ càng để không bị nhấn chìm trong các khó khăn về tài chính ở giai đoạn chuyển tiếp sang công việc mới.

Cách tốt nhất để "tự kiểm" lại mình chính là nghỉ xả hơi vài ngày. NLĐ có thể dành ra ít thời gian cho bản thân để định hướng xem bước tiếp theo mình muốn làm là gì. Hãy suy nghĩ về những gì mình thích và không thích, các kỹ năng nổi trội và sở thích, môi trường làm việc nào đối với bạn là lý tưởng. Quan trọng nhất là tìm ra những gì bạn muốn cho bản thân.

Một khi NLĐ đã quyết định rẽ sang hướng khác, các chuyên gia cho rằng chẳng có công việc nào là dễ dàng ngay thời điểm xuất phát cả. Bởi vậy, để chinh phục đỉnh cao mới ở tuổi 30, NLĐ phải mang theo mình 3 hành trang cần có. 

Trước nhất là một bản kế hoạch tài chính đường dài cho bước nhảy sự nghiệp này. Tiếp theo là những kỹ năng cần thiết cho công việc sắp tới. Cuối cùng chính là sự tự tin cùng tinh thần sẵn sàng học hỏi.

Để cạnh tranh được với lớp trẻ đầy nhiệt huyết, nhất định bạn không được ngồi yên một chỗ. Hãy mạnh dạn thể hiện bản thân trên con đường sự nghiệp mới, đồng thời khiêm tốn học hỏi những điều mình chưa rõ. Càng chủ động và tích cực bao nhiêu, thành quả trả về cho bạn sẽ càng xứng đáng bấy nhiêu.

Rẽ hướng sự nghiệp ở tuổi 30 trong mắt nhiều người có thể là một hành động liều lĩnh, song nếu bạn tin vào khả năng và đam mê thực sự của bản thân thì không có gì là không thể.