Hỏi đáp việc làm:

Có nên làm trái nghề?

(Dân trí) - “Tôi làm ở công ty Phát triển dữ liệu phấn mềm từ 2 năm nay rồi. Tôi rất thích công việc của mình và được sếp tin tưởng nhưng thực ra đó là việc trái nghề bởi vì ngành học chính thức của tôi là marketing, phát triển thị trường.

Vì tôi có tham gia khoá học ngắn hạn về vi tính nên tôi mới theo đuổi công việc này. Mải đi làm nên tôi vẫn chưa lấy bằng về marketing. Bố mẹ tôi tiếc, bắt tôi đến trường, hoàn thành nốt các môn còn nợ để lấy thêm bằng marketing, để có cơ hội tìm việc mới, hoặc vận dụng, làm cả hai công việc một lúc. Tôi có nên nghe lời họ không?
 

Tôi là người khá quyết đoán trong công việc, có kỹ năng giao tiếp tốt, và đặc biệt có kinh nghiệm trong việc lưu giữ thông tin và phát triển phần mềm. Vấn đề là tôi không biết tham gia vào lĩnh vực gì để có thể ứng dụng đựơc cả hai kỹ năng.

 

Hầu hết các công ty đều đòi hỏi kinh nghiệm, nghiệp vụ trong khi về vấn đề marketing thì tôi chưa có chút kinh nghiệm nào. Xin hãy cho tôi một lời khuyên” (John_Johnhf@hotmail.com).

 

Ms. Mestey, chuyên gia tư vấn của tạp chí Truecareer trả lời:

 

Hãy thật chủ động trong thị trường lao động khắc nghiệt này. Không phải dễ gì xin được công việc mình yêu thích và phù hợp với năng lực của mình đâu. Nếu bạn thực sự muốn lấy bằng về kinh tế thì bạn cứ làm nhưng nếu bạn đang có nhiều cơ hội thăng tiến ở công việc hiện tại thì cũng không cần thiết phải bỏ nghề. Tấm bằng marketing chỉ là công cụ phòng lúc sa cơ thôi.

 

Sự kết giao giữa công nghệ và nghiệp vụ marketing cũng có thể phát triển ở các công ty về phần mềm máy tính. Bạn thử xem có thể phát huy hai khả năng ngay chính tại công ty mình đang làm không nhé! Có vẻ như bạn rất tự tin vào khả năng, trình độ của mình và tôi tin đó chính là yếu tố giúp bạn thành công.

 

Nhưng bạn hãy suy xét thật kỹ, bạn đang nuối tiếc công mấy năm học hay bạn thực sự đam mê ngành marketing? Nếu bạn không thích công việc đó thì hãy tạm quên nó đi, và hoàn thành xuất sắc công việc hiện tại, một công việc bạn vừa có đam mê, vừa có kinh nghiệm và sở trường. Không nhất thiết phải ôm đồm nhiều thứ, rồi cuối cùng lại “xôi hỏng bỏng không”.

 

Gia Nam

Dòng sự kiện: Hỏi đáp việc làm