1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cô giáo trẻ nghẹn đắng vì "cứ hết Tết là.... hết tiền"

Hoài Nam

(Dân trí) - Quay lại thành phố nhưng cô Mai chờ ngày có thể xin được việc ở quê để trở về làm, dù lương thấp. Cô đã quá mệt mỏi với cảnh quanh năm làm việc ở thành phố, hết Tết là... hết tiền.

Sau Tết, cô N.T. Mai, 26 tuổi, giáo viên mầm non tại một trường tư thục ở TP Thủ Đức, TPHCM trở lại thành phố trên chuyến tàu SE13 từ Vinh đến Sài Gòn. Cầm chiếc vé giường nằm với giá hơn 2,4 triệu đồng, cô than thở: "Cứ hết Tết là... hết tiền". 

Trước đó, cô mua vé chiều về cũng với mức giá tương đương, chưa kể tiền xe di chuyển nhiều chặng. Mỗi tiền đi lại trong dịp Tết của cô đã hết hơn 5 triệu đồng. 

Cô giáo trẻ nghẹn đắng vì cứ hết Tết là.... hết tiền - 1

Người lao động quay trở lại thành phố làm việc với nhiều nỗi niềm (Ảnh chỉ mang tính minh họa: N.H).

"Ở xa mỗi lần về quê tốn tiền kinh khủng. Chi phí cho cả dịp Tết của tôi tính ra hết gần 3 tháng lương, đi sạch tiền tích cóp cả năm", cô Mai ngậm ngùi. 

Cô giáo trẻ trải lòng, cô mê trở thành giáo viên mầm non từ năm 3 tuổi. Ước mơ đó thành hiện thực, tốt nghiệp sư phạm mầm non, cô ở lại thành phố dạy tại trường tư thục. 

Mức lương ban đầu của cô Mai là 4,5 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 7 triệu đồng/tháng. Hiếm lắm có lúc phụ huynh nhờ giữ trẻ ngoài giờ, cô có thêm vài trăm nghìn. Với mức thu nhập hiện tại, cô trang trải nhiều chi phí đắt đỏ ở thành phố như nhà trọ, điện nước, xăng xe, ăn uống... Là người tiết kiệm nhưng cô Mai cho hay, gần như lương chỉ đủ chỉ tiêu hoặc dư rất ít, khi có việc phát sinh hoặc việc gia đình là tài khoản lại về "không". 

Tết năm nay, cô được thưởng một tháng lương, thêm tiền lì xì là 7,2 triệu đồng. Khoản này cùng với tiền tiết kiệm lâu nay cũng ra đi sau chuyến về Tết với đủ khoản chi tiêu "không tên". Cô trở lại phòng trọ với vài trăm nghìn trong người cùng 5 cái bánh tét và ít đồ ăn bố mẹ mang từ quê vào.

Cô Mai cũng muốn học thêm, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để có thể xin vào những ngôi trường có thu nhập cao hơn. Nhưng, vì mưu sinh, cô không thể dứt ra với công việc hàng ngày kéo dài từ 6 sáng đến gần 6 giờ tối mỗi ngày. Chưa kể muốn học thì phải có tiền... 

Cô giáo trẻ nghẹn đắng vì cứ hết Tết là.... hết tiền - 2

Hai bạn trẻ trên chuyến tàu đến TPHCM sau Tết (Ảnh: N.H).

Trải nghiệm với nghề giữ trẻ vất vả từng được nhiều người ví von "mệt hơn đi phụ hồ" nhưng theo cô M. công việc nào cũng có những khó khăn riêng. Nhưng, nếu sự vất vả đổi lại thu nhập khá hơn thì nhiều người sẽ cố giữ nghề. 

Dù rất yêu nghề, yêu trẻ nhưng với cuộc sống mưu sinh chông chênh ở thành phố, cô đã tính đến phương án về quê tìm việc làm. Cô thiết tha có thể xin đi dạy, còn không có thể gác ước mơ, bẻ lái đi làm công việc khác. Ở quê có thể lương thấp hơn nhưng sẽ bớt bị áp lực về các khoản chi phí như cuộc sống ở thị thành. 

Cô giáo cho hay: "Ở lại thành phố với mức thu nhập này, tôi không dám nghĩ đến việc lấy chồng, sinh con".

Mức thu nhập 7 triệu đồng của cô Mai là ở mức cao so với nhiều giáo viên trẻ. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục tiểu học TPHCM, lương giáo viên tiếng Anh mới ra trường chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Chỉ 3 triệu đồng cho cuộc sống ở thành phố nên không khó hiểu khi không tuyển nổi giáo viên hay không giữ chân nổi người giỏi. 

Thống kê từ ngành giáo dục, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, tức bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Có nhiều nguyên nhân nhưng áp lực về thu nhập luôn là thử thách lớn với ngành giáo dục trong việc giữ người, đặc biệt là đội ngũ trẻ. 

Đã thu nhập thấp thì khó khăn quanh năm nhưng theo chị Ngọc Huyền, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM, Tết nhất càng phơi bày sự khó khăn của nhiều người. Như chị, đồng lương có hạn, cứ sau mỗi chuyến về quê dịp Tết là... cạn tiền. 

Cô giáo trẻ nghẹn đắng vì cứ hết Tết là.... hết tiền - 3
Cô giáo trẻ nghẹn đắng vì cứ hết Tết là.... hết tiền - 4

Cho vay nóng, vay trả góp theo ngày tràn ngập sau Tết (Ảnh chụp lại màn hình).

Tết xong là hết tiền, thậm chí trở thành "con nợ" không phải là cảnh xa lạ với nhiều người lao động. Quá nhiều chi phí cần trong dịp Tết, giá cả đắt đỏ làm nhiều người cạn kiệt tiền bạc, nhất là những người đi làm việc xa quê. 

Đâu chỉ trước Tết mới nở rộ dịch vụ cho vay tiền tiêu Tết. Nắm được "thế bí" của người lao động sau Tết, các dịch vụ cho vay nóng, vay trả góp theo ngày, vay nặng lãi đã sôi động ngay những ngày đầu năm. 

"Nhiều năm nay vợ chồng tôi không dám về quê đón Tết bởi xác định sau một chuyến về quê là phải đi vay nợ để trả nợ, sau đó thì cày bục mặt. Ai ở xa quê sẽ rõ, tết nhất về quê cực kỳ tốn kém", anh Lê Quốc Bảo, quê Thanh Hóa, làm thợ nhôm kính tại quận 11, TPHCM cho hay. 

Cô giáo trẻ nghẹn đắng vì cứ hết Tết là.... hết tiền - 5

Người lao động đổ về TPHCM sau kỳ nghỉ Tết (Ảnh: Trần Đạt).

Ăn Tết xa quê nhiều năm, vợ chồng anh Bảo là nỗi khắc khoải nhớ nhà, nhớ Tết quê. Còn con đường từ quê quay trở lại thành phố của cô giáo trẻ N.T.M, của nữ nhân viên Ngọc Huyền hay rất nhiều người lao động khác nặng trĩu lòng sau những ngày sum vầy.