1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cô giáo mầm non làm "cò đất", bán một lô bằng lương cả năm đi dạy

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau hai tháng tìm tòi, giới thiệu, dẫn khách, mới đây cô Nguyễn Thị Thanh "chốt đơn" được một khách đặt mua dự án đất ở Lâm Đồng.

Nhận tiền hoa hồng bán được lô đất đầu tiên sau hơn hai tháng dấn thân làm "cò đất", cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên mầm non tại một trường tư thục ở Thủ Đức, TPHCM phấn khởi khoe: Bằng tiền lương cả năm đi dạy. 

Cô giáo mầm non làm cò đất, bán một lô bằng lương cả năm đi dạy - 1

Nhiều người thất nghiệp, mất việc làm dấn thân đi làm... "cò đất" (Ảnh chụp lại màn hình).

Rút kinh nghiệm các đợt dịch năm ngoái, công việc liên tục bị gián đoạn, nhấp nhổm chờ đợi, từ đầu đợt dịch cách đây 6 tháng khi trường học đóng cửa, cô Thanh bắt tay ngay tìm việc mưu sinh. 

Đầu đợt dịch, cô Thanh nhờ bố mẹ, anh chị ở Lâm Đồng gửi rau củ, thực phẩm xuống bán. Nhờ vậy, cô vẫn có đồng ra đồng vào để duy trì cuộc sống dù khá chật vật. 

Khi việc mua bán ở TPHCM dễ dàng hơn, công việc bán thực phẩm thời vụ của cô chậm lại. Đúng lúc đó, một người bạn cũ ở quê nhờ cô giới thiệu mấy lô đất. Lần đầu tiên, cô Thanh quan tâm đến lĩnh vực chưa bao giờ có trong suy nghĩ.

Cô thử mày mò, tìm hiểu về các dự án, thị trường đất cát, đọc hồ sơ... và bị cuốn vào, thấy rất hấp dẫn. Rồi cô tập tành theo người có kinh nghiệm đi xem đất, xem dự án, giới thiệu. 

Cô giáo mầm non làm cò đất, bán một lô bằng lương cả năm đi dạy - 2

Nhiều người trở thành nhân viên môi giới bất động sản vì... hoàn cảnh đưa đẩy (Ảnh: HN).

Nữ giáo viên chia sẻ, cô phải học chụp hình, chỉnh hình ảnh, viết bài, giới thiệu sao cho hấp dẫn và để người khác tin tưởng, tham gia vào các nhóm bất động sản... Miệt mài cả tháng, cũng có người hỏi, đi xem nhưng lô đất thì không như mớ rau, miếng thịt, không ai có thể mua vì "ủng hộ cho cô giáo mất việc". 

Do không có kinh nghiệm, thiếu sự kết nối nên cô rất tốn kém các chi phí đi lại, cà phê, điện thoại. Cô Thanh không khỏi hoang mang khi tiền sắp hết mà không kiếm được đồng nào. Cô đã muốn bỏ cuộc thì mới đây,  khách "chốt" một lô đất cả ngàn m2, tiền hoa hồng cô nhận hơn cả một năm lương đi dạy. 

Vạn sự khởi đầu nan, cô Thanh càng có thêm động lực tìm tòi, nghiên cứu về lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này. 

"Tôi là người đang tập tành, không có kinh nghiệm gì. Nhưng tôi hiểu kiếm tiền không dễ dàng, nghề nào cũng có rủi ro và cái khó riêng. Làm gì cũng phải nỗ lực, kiên trì và phải không ngừng học hỏi, mình "tay ngang" nữa thì càng phải nỗ lực hơn nhiều lần", cô giáo 33 tuổi cho hay. 

Hiện tại, cô Nguyễn Thị Thanh vừa bán rau củ thực phẩm, vừa tích cực đi... bán đất. Việc trở thành "cò đất", theo cô Thanh, là do hoàn cảnh đưa đẩy. Dù hoàn cảnh nào, con người muốn tồn tại thì buộc phải vận động, tìm cách khắc phục... 

Cô Thanh tiết lộ, cô phát hiện ra người đi làm "cò đất" như mình cũng vì cuộc đời xô đẩy. Nhiều người thất nghiệp, không tìm được công việc khác nên... lao vào đi bán đất. Cũng nhiều người có việc ổn định nhưng "mát tay", đi bán hộ đất cho mọi người. 

Đi dạy hơn chục năm, cô Thanh chia sẻ, giáo viên mầm non chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh. Cũng như cô, nhiều đồng nghiệp mất việc làm phải tìm mọi cách để xoay xở, kiếm việc mới. 

Cô giáo mầm non làm cò đất, bán một lô bằng lương cả năm đi dạy - 3

Một cô giáo mầm non chuyển hướng đi bán bảo hiểm (Ảnh chụp màn hình).

Có cô đi bán bảo hiểm, bán hàng online, xin vào các công ty... Nhiều trường hợp rất khó khăn khi bắt đầu công việc mới, có người không cầm cự nổi, đã phải theo chồng con bỏ phố về quê. 

Yêu nghề giáo, cô Thanh cho biết bản thân rất nhớ trường lớp, học trò. Nhưng cô xác định sẽ tạm gác nghề để tập trung kiếm tiền cũng như dành thời gian chăm sóc con cái. Vài năm sau, nếu còn vấn vương, thiết tha mới tính đến chuyện quay lại trường lớp. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố có 12.341 cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành giáo dục bị mất việc làm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó tập trung nhiều nhất ở bậc học mầm non với hơn 10.129 người (chiếm trên 82%). 

Cô giáo mầm non làm cò đất, bán một lô bằng lương cả năm đi dạy - 4

Chỉ riêng trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học ở TPHCM đã đóng cửa hơn 7 tháng (Ảnh: HN).

Mất việc làm, thu nhập, nhiều giáo viên mầm non khó khăn để cầm cự trong thời gian qua, hàng loạt người đã bỏ việc, tìm công việc khác. Nhiều nhà quản lý giáo dục lo ngại, giáo viên mầm non đã tìm việc khác, "một đi không trở lại" sẽ dẫn đến thiếu lực lượng này trầm trọng khi trường học mở cửa.