Bỏ phố về quê trồng cau, cô gái miền Tây có cuộc sống khiến nhiều người mơ

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Dù có nhiều năm làm việc ở TPHCM, nhưng chị An vẫn "không thích nghi được" sự ngột ngạt của phố phường, xe cộ, chị quyết định về quê trồng cau để cả gia đình có cuộc sống trong lành.

Giữa những ngày hè, khu vườn cau rộng hơn 7.000m2 của gia đình chị Trần Thị Ngọc An (30 tuổi, ngụ xã Định Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) vẫn mang lại cảm giác mát mẻ, trái ngược hoàn toàn cái nắng hầm hập xung quanh. Gió thổi qua những hàng cau xao xác đưa không khí trong lành vào tràn ngập ngôi nhà nằm giữa khu vườn.

Bỏ phố về quê trồng cau, cô gái miền Tây có cuộc sống khiến nhiều người mơ - 1

Lối vào vườn cau của chị An (Ảnh: Nguyễn Cường).

Những hàng cau xanh rờn, đều tăm tắp khiến ai cũng phải nhận xét là "mát mắt". Hoa cau trong gió đung đưa, tỏa mùi hương đặc trưng thoang thoảng tạo nên không gian trong lành, dễ chịu.

Chị An chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học, chị ở lại TPHCM làm việc một thời gian. Dù thu nhập cao, nhưng cô gái miền Tây vẫn "không thể thích nghi sự ngột ngạt của phố phường".

6 năm trước, chị An quyết định rời phố phường, về Đồng Tháp sinh sống. Với số vốn tích góp được, chị mua hơn 7.000m2 đất, làm ngôi nhà vườn. Diện tích còn lại, chị An trồng hơn 10.000 cây cau.

Bỏ phố về quê trồng cau, cô gái miền Tây có cuộc sống khiến nhiều người mơ - 2

Vườn cau xanh mát và đều tăm tắp (Ảnh: Nguyễn Cường).

Về miền Tây, chị An cũng mở cơ sở kinh doanh cây giống nên duy trì thu nhập tốt. Khu vườn cau không tốn công chăm sóc, cứ thế lớn lên.

"Vườn cau gần như chỉ mất công chăm bón lúc cây còn nhỏ. Sau khi cây sống tốt, chỉ cần đủ nước và dọn sạch cỏ là cau cứ vậy lớn lên, không hao hụt cây nào", chị An cho biết.

Sau 4 năm, vườn cau đã cao khoảng 5m, cho trái đều quanh năm, Chị An vừa bán trái, vừa ươm bán cau giống. Chị cho biết, tổng cả 2 nguồn thu khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Bỏ phố về quê trồng cau, cô gái miền Tây có cuộc sống khiến nhiều người mơ - 3

Những chùm hoa cau đẹp mắt, tỏa mùi hương dịu nhẹ khiến không gian thêm dễ chịu (Ảnh: Nguyễn Cường).

Không dừng lại, chị An còn đầu tư máy bóc, chế biến mo cau vốn không nhiều giá trị thành hơn 10 sản phẩm như bát đĩa, khay đựng thức ăn, thìa muỗng…

"Sản phẩm từ mo cau hoàn toàn thiên nhiên, hữu cơ và không có chất bảo quản. Mo cau có lớp màng chống nước tự nhiên nên không bị thấm, vì vậy chén đĩa có thể đựng nhiều loại thức ăn.

Bát đĩa từ mo cau có mùi thơm đặc trưng, tăng hương vị cho món ăn. Hiện sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ, tôi đang tìm thêm nguồn nguyên liệu để tăng sản lượng, tối ưu việc vận hành của máy móc", cô gái miền Tây nói.

Bỏ phố về quê trồng cau, cô gái miền Tây có cuộc sống khiến nhiều người mơ - 4

Từ mo cau, chị An sản xuất nhiều mặt hàng thân thiện môi trường (Ảnh: CTV).

Chị An cho biết, vườn cau của chị được rất nhiều nông dân tìm đến thăm, "ai cũng mê".

Anh Tân, một người ở Cần Thơ đang muốn khởi nghiệp nông nghiệp, được sự giới thiệu từ Đoàn thanh niên địa phương đã đến thăm vườn cau của chị An  nhận xét rằng "rất đáng học hỏi". Anh Tân dự định sẽ tìm hiểu kỹ hơn, trồng khoảng 100 cây cau thử nghiệm trước khi mở rộng ra diện tích 1ha trong vườn nhà. 

Mô hình trồng cau bán trái, bán cau giống, đồng thời bán sản phẩm từ mo cau của chị An mới đây đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến thăm và đánh giá cao.