Kon Tum:

Chuyện về ông Hải giúp đỡ việc làm cho thanh niên khó khăn, khuyết tật

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Vươn lên nghèo khó, ông Hải luôn nhiệt tình để truyền nghề mộc cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Có nghề trong tay, họ đã nuôi sống được bản thân và giúp gia đình.

Ông Lê Hải (58 tuổi, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, tự lập từ đôi bàn tay trắng. Cuộc đời ông trải qua bao nhiêu nghề nhưng vẫn sống trong cảnh khó khăn, "chạy cơm từng bữa".

Năm 1981, ông chuyển sang học nghề mộc từ ông ngoại của mình. Sau 6 năm học, mọi kỹ thuật đã thành thạo nên ông mở xưởng mộc riêng ở làng nghề H'Nor (TP.Kon Tum, Kon Tum).

Năm 2014, ông chuyển xưởng mộc sang xã Đăk Rơ Wa và lấy tên là Nguồn Xanh mục đích để có điều kiện cho những thanh niên nghèo, người khuyết tật có thể đến học và làm thuận lợi hơn.

Đối với những thanh niên khuyết tật, khó khăn nhưng có tinh thần nỗ lực, ông Hải đã dạy miễn phí và trả công để họ có thể trang trải cuộc sống, giúp đỡ gia đình.

Chuyện về ông Hải giúp đỡ việc làm cho thanh niên khó khăn, khuyết tật - 1
Sinh ra trong gia đình nghèo khó nên ông Hải hiểu được nỗi khổ của những người nghèo, khuyết tật. Chính vì vậy, ông luôn dạy một cách tâm huyết cho những học viên của cơ sở mình.

Có nhiều thanh niên đến học nghề tại xưởng ông nhưng bị khuyết tật 1 tay, 1 chân cũng có người hỏng 1 bên mắt. Tuy họ khiếm khuyết, nhưng bù lại họ có sự thông minh, khéo léo trời phú.

"Những người khuyết tật tuy họ khiếm khuyết nhưng vẫn là những người có ích cho gia đình, xã hội. Mặc dù sức khỏe yếu, chậm hơn người bình thường nhưng họ vẫn có thể làm tốt công việc. Mình dạy họ làm đồ mộc mỹ nghệ nên cũng không cần đến sức khỏe mà chỉ cần kiên trì, tỉ mỉ và có con mắt nghệ thuật. Mình muốn sau này họ có nghề nghiệp ổn định, ít nhất là tự nuôi sống bản thân để không phụ thuộc vào ai", ông Hải tâm sự.

Chuyện ông Hải luôn dang rộng vòng tay giúp đỡ người nghèo, người tàn tật ngày một vang xa. Cũng từ đây nhiều nhiều người khuyết tật từ Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Định… tìm đến ông để học nghề. Không chỉ dạy nghề mà ông còn tạo công ăn việc làm cho những mảnh đời bất hạnh.

Ngày thường xưởng ông có 6-7 người làm, những hôm cao điểm có đến 16-18 người thay phiên nhau đục, đẽo. Những người ở xa đến ông lo chỗ ăn, ở cho họ. Đối với những người mới học nghề, ông trả cho họ 4-5 triệu đồng mỗi tháng để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Chuyện về ông Hải giúp đỡ việc làm cho thanh niên khó khăn, khuyết tật - 2
Không chỉ trả lương, mà ông Hải còn còn bỏ tiền túi để lo ăn uống cho các thanh niên khó khăn ở xa đến học nghề

Không chỉ người khuyết tật mà các thanh niên trong làng đồng đồng bào dân tộc thiểu số không có việc làm cũng đến cửa xin ông Hải dạy nghề mộc. Không ngần ngại, ông đã nhận các thanh niên ở lại nhà và trả công từ những sản phẩm mà họ làm ra.

Đồng thời, ông cũng bỏ tiền túi để mua gạo, hỗ trợ chi phí ở để các thanh niên có động lực học nghề và dành tiền gửi về nuôi vợ con. Những khi rảnh rỗi ông thường tâm sự để hiểu rõ tâm tư và cuộc sống những người thợ.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Hải thở dài tiếc cho hoàn cảnh học trò cũ của mình là A Nghi (20 tuổi, dân tộc Bana, xã Đăk Blà, TP Kon Tum). Mặc dù A Nghi bị tật một tay nhưng rất chăm chỉ và khéo léo. Trải qua 1 năm học nghề, khi A Nghi sắp có thể ra làm thợ thì tai họa lại ập đến. Sau một trận ốm, 2 mắt anh bị mù vĩnh viễn không thể theo nghề mộc được nữa.

May mắn hơn A Nghi, anh Nguyễn Văn Thừa (SN 1987) mặc dù bị đau khớp gối, nhưng sau thời gian học nghề ở xưởng anh đã tự đứng máy, mang về thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Anh A Hưng (25 tuổi, trú thôn Kon Rơ Wa, xã Kon Rơ Wa, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) cho biết, anh mới đến nhà ông Hải học nghề mộc được 2 tháng nay. Mặc dù học nghề nhưng anh không phải trả tiền học phí, ngược lại còn được ông Hải trả lương 4 triệu đồng/tháng.

Chuyện về ông Hải giúp đỡ việc làm cho thanh niên khó khăn, khuyết tật - 3
Anh A Hưng (áo đội đội ở giữa) sau 2 tháng học nghề đã biết sử dụng máy cưa, máy mài.

"Trong làng mình nhiều người khuyết tật được chú Hải dạy nghề mộc lắm. Mọi người học không mất tiền còn được trả lương nên mọi người có tiền lo cho cuộc sống. Mình theo học nghề ở xưởng của chú đã 2 tháng rồi, cũng đã biết dùng máy cưa, máy mài. Khoảng vài tháng nữa mình có thể thành thợ mộc được rồi. Mình và mọi người biết ơn chú Hải lắm.", A Hưng nói.

Nở nụ cười hiền, ông Hải nhẩm tính: "Trong 6 năm qua mình dạy nghề cho hơn 40 người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù không giúp được họ có cuộc sống đầy đủ, ấm no, nhưng mình rất vui vì cho họ có cái nghề để mưu sinh".

Vẫn còn mẹ già mắc căn bệnh ung thư quái ác, vợ lại bị viêm đa khớp. Ông Hải có 4 người con, trong đó con út vẫn đang học đại học. Tuy nhiên, do cuộc sống của các con còn nhiều khó khăn nên ông vẫn phải nuôi mẹ già, vợ cùng người con đang đi học.

"Dù mình lớn tuổi rồi nhưng vẫn còn sức để lao động, lo cho gia đình. May mắn nhà có vườn rộng nên mình nuôi thêm gà, vịt, trồng thêm rau sạch vừa bán vừa ăn và tạo thêm việc làm cho những người khiếm khuyết. Khi nào có người khó khăn, khuyết tật cần giúp đỡ mình sẵn sàng nhận và không cần trả ơn", ông Hải tâm sự.

Bản thân ông cũng chỉ mong khi già yếu tìm được người trông coi xưởng để có thể tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật

Ông Đào Văn Hậu (Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa) cho biết, xưởng mộc của ông Hải thời gian qua đã dạy nghề cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật trên địa bàn và nhiều nơi khác. Việc làm của ông Hải mang giá trị nhân văn to lớn, có ý nghĩa đối với xã hội. Xã ghi nhận, biểu dương những đóng góp của ông vì việc làm nhân đạo, thiết thực tạo sự lan tỏa đối với cộng đồng.