Cô giáo dạy nghề vùng cao ước mơ học sinh không chỉ "học để biết mặt chữ"
(Dân trí) - Cô giáo Phạm Thu Hường (sinh năm 1989) hiện đang công tác tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên. Cô Hường là một trong những tấm gương được tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2020.
Một số thành tích tiêu biểu của cô giáo Phạm Thu Hường:
- Là gương điển hình trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Được Tuyên dương gương Thanh niên điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020
- Tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ sinh viên
- Tham gia biên soạn Giáo trình Hướng dẫn thực hành sổ sách và lập báo cáo tài chính
- Tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ sinh viên (là giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập, mentor hỗ trợ khởi nghiệp, trực tiếp tổ chức tham gia các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tư vấn định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp,…)
- Giảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019-2020
- Đạt danh hiệu lao động tiên tiến năm học 2019-2020; Danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2019-2020
- Tham gia sáng kiến kinh nghiệm cấp trường năm học 2019-2020
- Được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đoàn Trường Cao đẳng Knh tế - Kỹ thuật Điện Biên năm học 2019-2020…
Giấc mơ học sinh vùng cao được học hành đến nơi đến chốn
Cô giáo Nguyễn Thu Hường từng theo học ngành Kế toán, trường ĐH Tây Bắc. Với cô Hường, nghề giáo tựa như một mối duyên lành. Cô kể: “Trước đây, mình không hề có ý định theo đuổi con đường trở thành giáo viên nhưng cái duyên với nghề đã dẫn dắt mình".
Năm 2011, khi ra trường, nhận được thông tin trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tuyển giáo viên, cô Hường quyết định nộp hồ sơ dự tuyển. Sau một thời gian gắn bó với công việc, cô Hường càng yêu thêm nghề và cảm thấy bản thân tươi trẻ hơn khi tiếp xúc với các em học sinh, sinh viên.
Suốt 9 năm qua, cô Hường luôn đặt hết tâm huyết cho mỗi bài giảng. Cô luôn ôm theo giấc mơ rằng các em học sinh vùng cao đều được ăn học đến nơi đến chốn.
“Còn nhớ năm đầu tiên mình cùng đồng nghiệp đến các bản để vận động các hộ dân cho con em được đi học tiếp. Mình về một trường cấp 2 để làm công tác tuyển sinh, khi nói các em rất hào hứng và đều bày tỏ mong muốn được đi học tiếp. Nhưng một tuần sau quay lại, câu trả lời mình nhận được là “bố mẹ em không cho đi học nữa". Điều đó làm mình rất buồn", cô Hường chia sẻ.
Bởi thông thường người dân vùng cao có suy nghĩ “học để biết mặt chữ, chứ không cần học cao”. Có những bản, khi giáo viên vào, người dân không tiếp. Nhưng cô Hường và đồng nghiệp vẫn cứ kiên trì, nói cho bà con hiểu tầm quan trọng của việc học, rồi các em được đến tham quan trường học.
Đối với học sinh cấp 2, cô Hường đưa ra lí lẽ: "Học sinh lớp 9 học xong có thể vừa được học văn hóa, vừa được học thêm nghề, khi tốt nghiệp các em có thể kiếm được tiền từ nghề luôn, lại còn được nhà nước và nhà trường hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học...".
"Bây giờ kể lại thì chỉ vắn tắt được vậy, nhưng quá trình vận động là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì”, cô Hường cho biết.
Người giáo viên tỉ mỉ, nhiệt tình giúp đỡ bà con vùng cao
Cô Hường phụ trách bộ môn Kế toán, Tài chính – Ngân hàng. Bộ môn này đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận vì nếu sai một dãy số thì sẽ sai luôn các chuỗi đằng sau. Với người học, cô Hường luôn động viên và nhẹ nhàng, chỗ nào học sinh chưa hiểu, cô tỉ mỉ giảng giải từng chút một.
Ngoài giảng dạy cho các em học sinh, cô cũng là giảng viên bổ túc kiến thức cho cán bộ xã, kế toán xã. Ngoài giờ trường lớp, cô tham gia phối hợp xây dựng chương trình giảng dạy các lớp bồi dưỡng năm 2019 ngành Nghiệp vụ quản lý kinh tế tại 5 huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông.
“Với bất cứ đối tượng học sinh nào thì mình cũng cần có sự tìm hiểu tính cách, thói quen, cách tiếp nhận thông tin của họ. Có những dự án thì mình phải đi đến điểm huyện, xã để tham gia, đi bộ 10km là chuyện bình thường.
Đi rồi mới thấy bà con miền cao rất khổ, thiếu thốn đủ điều. Mình lại càng thấy thương học sinh hơn. Có khi mình nói tiếng phổ thông bà con không hiểu, đành nhờ các cán bộ phiên dịch lại”, cô Hường kể.
Không chỉ là một giảng viên vững chuyên môn, cô Hường cũng năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động Đoàn. Ngoài vai trò của một giảng viên, cô còn giữ chức vụ Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ - Bí thư Đoàn TNCS HCM – Bí thư chi bộ Học sinh sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên.
Cô Hường luôn quan niệm: “Dù làm bất cứ việc gì cũng hãy cứ đặt hết tâm sức của mình vào đấy. Với giáo viên dạy nghề ở miền cao như mình lại càng phải nhiệt huyết hơn để nhiều em học sinh, sinh viên có thể có cơ hội được đổi đời.
Chỉ có con đường học vấn mới giúp các em dễ dàng tiếp cận với nền tảng tri thức, có được nghề nuôi sống bản thân và gia đình. Hơn thế nữa, xu thế học nghề hiện nay cũng được đề cao, phù hợp với nhiều em”.
Dù có những khó khăn nhất định suốt 9 năm với cương vị “người lái đò”, nhưng trên môi cô Hường luôn nở nụ cười tươi. Vì cô tâm niệm, nghề giáo thật cao quý!