Quảng Nam triển khai sáp nhập các trường dạy nghề
(Dân trí) - Ngày 25/11, tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành liên quan để triển khai sáp nhập các trường Trung cấp, Cao đẳng Nghề trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có các trường nghề gồm: Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam, trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - miền núi Quảng Nam, trường Trung cấp Văn hóa, trường Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam. Theo đề án, các trường này sẽ được nhập vào trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các cơ sở dạy nghề công lập của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Cụ thể, công tác đổi mới hệ thống tổ chức còn chậm, quy hoạch mạng lưới các cơ sở chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế…
Theo dự thảo sáp nhập của UBND tỉnh Quảng Nam, nội dung cốt lõi của đề án sắp xếp là lấy trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam làm nòng cốt, sáp nhập các trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam, trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - miền núi Quảng Nam, trường Trung cấp Văn hóa, trường Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam.
Dự kiến tên trường sau khi sắp xếp có tên là Trường Cao đẳng Quảng Nam, đào tạo các ngành nghề thuộc tất cả các lĩnh vực. Hiệu trưởng sẽ do UBND tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm theo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Trung ương và của tỉnh.
Sau khi sắp xếp, Trường Cao đẳng Quảng Nam sẽ có 5 phòng, 10 khoa, 3 trung tâm. Quy mô tuyển sinh dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 33.470 người; trong đó trình độ Cao đẳng 3.890 người, trình độ Trung cấp 10.920 người, trình độ Sơ cấp 14.015 người và đào tạo dưới 3 tháng 4.645 người. Biên chế cán bộ, giáo viên sau khi sắp xếp là 233 người.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam giao Sở LĐ-TB&XH tiếp thu các ý kiến để khẩn trương hoàn thiện đề án, tham mưu trình UBND tỉnh để trình Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt.
Ông Trần Văn Tân yêu cầu khẩn trương hoàn thiện đề án càng sớm càng tốt, xem đây là nhiệm vụ trọng yếu của mình cùng với việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
"Không phải vì sắp xếp mà chất lượng đào tạo nghề bị chững lại, chất lượng đào tạo đi xuống Hơn nữa, quyền lợi của người học phải được đảm bảo sau khi sắp xếp, đồng thời cũng phải đảm bảo quyền lợi của giáo viên, cán bộ công nhân viên của các trường. Sau sắp xếp thì cũng phải giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư", ông Trần Văn Tân nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các Sở, ngành bổ sung để hoàn thiện đề án, công việc này hoàn thành trong tháng 12/2020 để trình Bộ LĐ-TB&XH. Dự kiến đến quý I/2021 sẽ hoàn thành việc sáp nhập.