Nữ phó giám đốc trung tâm dạy nghề trải lòng chuyện nghề
(Dân trí) - 20 năm gắn bó với nghề, chị Hà Thị Thúy Chiều - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn luôn tràn đầy tâm huyết trong việc góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ qua dạy nghề.
Chị Hà Thị Thúy Chiều (sinh năm 1979) ở xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, là cựu sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển được thành lập từ năm 2000 với tên gọi là Trung tâm Giáo dục gia đình - Dạy nghề, đến năm 2003 được đổi tên thành Trung tâm dạy nghề và từ năm 2014 đến nay đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn.
Ngay từ khi thành lập vào tháng 7/2000, chị Thúy Chiều được hợp đồng vào làm việc tại Trung tâm với vị trí giáo viên trợ giảng các lớp đào tạo nghề May dân dụng cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Từ năm 2000 đến năm 2013, chị là giáo viên của trung tâm và tham gia giảng dạy các nghề như: may dân dụng; móc len sợi; thêu zen; chế biến món ăn; chế biến bảo quản nông sản. Từ năm 2014 đến nay chị là Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn.
Giỏi chuyên môn và tận tâm với nghề, chị Thúy Chiều hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và nhận danh hiệu Lao động tiên tiến liên tục 9 năm (từ 2011 - 2019). Năm 2020, chị xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng bằng khen.
"Phụ nữ thì thường gắn với thiên chức làm vợ, làm mẹ và chăm lo cho gia đình, nên việc lựa chọn ngành nghề để tổ chức đào tạo cũng cần phải quan tâm đến các yếu tố đó, người lao động có được việc làm, có thu nhập để cải thiện cuộc sống, vừa phải có thời gian chăm lo cho gia đình và chăm sóc con cái", chị Chiều cho hay.
Song, may mắn đơn vị nằm trong hệ thống Hội nên có lực lượng hội viên đông đảo, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động khảo sát, tuyển sinh, lấy ý kiến nhu cầu, cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động.
Mặt khác, đại đa số người học là lao động nữ nên các giáo viên tham gia giảng dạy không phải chịu nhiều áp lực, không phải giải quyết các vấn đề phức tạp trong quá trình tổ chức đào tạo như: học viên không tuân thủ nội quy quản lý, không tuân thủ hoạt động học tập và rèn luyện, bỏ học…
Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi vẫn còn đó những khó khăn, điển hình là hiện nay đơn vị chưa có quỹ đất riêng, không có ký túc xã cho học viên ở xa.
Nhưng với chị Thúy Chiều, mọi khó khăn thách thức dường như không phải là chuyện to tát nhờ niềm mong mỏi góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ ở quê hương.
"Thực hiện công tác quản lý đối với tôi không có áp lực gì, vì nhiệm vụ này mang lại cho tôi nhiều cơ hội, cơ hội tiếp cận gần hơn với các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cơ hội được tiếp cận với các Trung tâm khác, được học hỏi, để mang những điều mới nhất, tốt nhất trong giáo dục nghề nghiệp đến với người lao động trong tỉnh, nhằm mục đích thúc đẩy học viên đi đúng hướng, chọn đúng nghề, có việc làm ổn đinh, có thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là nâng cao vị thế của phụ nữ", nữ Phó Giám đốc trung tâm nghề nghiệp trải lòng.
Suốt những năm qua, chị Chiều luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; chủ động tham mưu thực hiện tốt kế hoạch năm và các nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.
Hàng năm, chị tham mưu cho Ban thường vụ phân bổ chỉ tiêu và giao nhiệm vụ cho các cấp Hội phụ nữ phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển và cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Đồng thời, chị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh, Chi cục phát triển nông thôn Bắc Kạn, phòng LĐTB&XH các huyện tổ chức có hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 87 lớp cho 2.629 học viên tham gia.
Song song với hoạt động đào tạo, chị Thúy Chiều phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn cho học viên kiến thức về hạch toán sản xuất kinh doanh, kiến thức xây dựng mô hình kinh tế tập thể, maketing…và bản thân đã trực tiếp hỗ trợ chủ cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thiện các thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn mác, bao bì, lô gô, mã vạch, tem truy xuất…để sản phẩm có đủ điều kiện bán ra thị trường và đưa vào hệ thống các siêu thị trong nước như: Sản phẩm Bún khô của HTX 20/10, xã Nông Hạ, Chợ Mới; Phở khô của HTX phở khô Phủ Thông, TT Phủ Thông, huyện Bạch Thông; Miến dong của HTX Côn Minh, xã Côn Minh, huyện Na Rì; Tổ hợp tác trồng rau tại xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn; Tổ hợp tác sản xuất lâm sản phụ (Măng khô Mai Lạp) xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới; Tổ hợp tác trồng cây khẩu nua lếch (nếp thơm) xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn; các tổ nhóm nấu cỗ, hát then, làm đẹp…
Qua đó tạo điều kiện cho các HTX/THT, nhóm dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật và tạo được việc làm cho nhiều lao động tham gia với mức thu nhập bình quân 4.000.000đ/người/tháng.
Ngoài công tác chuyên môn, bản thân chị Chiều còn trực tiếp giảng dạy các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, thường xuyên vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào các bài giảng, nhằm tạo động lực, khuyến khích người học phát huy tối đa năng lực của bản thân và tích cực rèn luyện kỹ năng.
Năm 2018, chị tham gia công tác bồi dưỡng, huấn luyện đội tuyển Kỳ thi tay nghề cấp tỉnh do Sở LĐTB&XH tỉnh tổ chức, kết quả đạt 1 giải nhất và 1 giải nhì.
Năm 2015, trong quá trình giảng dạy lớp đào tạo nghề chế biến món ăn, tại xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, nhận thấy dịch vụ ăn uống có tiềm năng phát triển, chị Chiều đã viết sáng kiến "Xây dựng mô hình nhóm dịch vụ ăn uống và cung cấp thực phẩm sạch tại xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn" và được Ban thi đua khen thưởng của đơn vị họp xét và chấm sáng kiến đạt, phù hợp với thực tiễn.
Với kết quả đó, chị đã tư vấn cho một nhóm học viên có cùng sở thích kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghiên cứu, vận dụng sáng kiến, đến nay mô hình vẫn được duy trì và đã mở rộng thêm quy mô.
Đây là một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được chị tiếp tục tuyên tuyền tại các lớp học khác theo đó được nhiều học viên học tập làm theo, điển hình như nhóm nấu cỗ Nguyệt Doan tại TP. Bắc Kạn và một số cửa hàng ăn uống khác trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua ngoài các lớp tập huấn của ngành, lĩnh vực do đơn vị cử tham gia, chị Chiều đã tự đăng ký tham gia các lớp nghiệp vụ khác để nâng cao kiến thức cho bản thân.
"Với những kiến thức đã được đào tạo bản thân tôi mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo đơn vị để viết giáo trình, chương trình khung và đăng ký bổ sung những ngành nghề mới như: nghề Chế biến món ăn; Pha chế đồ uống; Trang điểm thẩm mỹ, làm đẹp, trình Sở LĐTB&XH tỉnh phê duyệt. Sau phê duyệt đã đưa vào giảng dạy và được đánh giá nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu người lao động, sau đào tạo học viên dễ tìm được việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, mang lại hiệu quả cao", chị chia sẻ.
Trong nhiều năm công tác ở lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có một câu chuyện khiến chị Chiều khắc ghi không quên.
"Câu câu chuyện mà tôi kể cho tất cả các học viên sau này, xem nó là một nghị lực để phấn đấu, để học tập suốt đời nếu còn có thể… Đó là chuyện cậu học viên Đặng Văn Hùng, dân tộc Dao, sinh năm 1984, sinh sống tại thôn Nà Nghè, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Ấn tượng đầu tiên về bạn ấy là một cậu học viên thông minh, hay có những câu hỏi khó như để thử giáo viên và thường xuyên đi học muộn. Sau 3 buổi đi học muộn liên tiếp, tôi đã gặp và nói chuyện riêng với em, từ cuộc nói chuyện đó tôi mới biết được để đến lớp học bạn ấy phải đi gần 10 km đường mòn dốc cao, trơn trượt, bùn lầy, để đến lớp học, thậm chí bạn đã phải quấn xích vào bánh xe để chống trơn.
Khi nghe đến đây tôi thực sự cảm động, như muốn khóc. Cảm ơn em đã cố gắng vượt mọi khó khăn để đến lớp, với tôi từ trước tới giờ chưa bao giờ nghĩ nghề đào tạo này lại thực sự cần đến vậy.
Tôi là một giáo viên cũng tham gia giảng dạy các xã vùng cao nhưng thực sự đoạn đường mà bạn ấy đến lớp hàng ngày thì tôi chưa từng va vấp, nhìn nghị lực của bạn học trò, tôi lại càng thấy trách nhiệm của mình cao quý hơn và thực sự thấy việc chọn nghề của mình là đúng.
Dù là một học viên ở vùng cao nhưng bạn là một người năng động, ham học hỏi, tích cực học tập, giỏi giao tiếp tiếng anh, hiện nay gia đình bạn ấy làm du lịch cộng đồng, thiết kế tour cho khách nước ngoài và khách Việt lên du lịch khám phá vùng đất Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Khách của Hùng chủ yếu thích những gì còn hoang sơ, mang đậm tính bản địa vậy mà để phục vụ khách Hùng vẫn tham gia lớp đào tạo nghề chế biến món ăn để lồng ghép giữa cái mới và truyền thống một cách hài hòa, đẹp mắt.
Xuất phát điểm từ con số không Hùng đã dám nghĩ, dám làm, nhất định bạn ấy sẽ thành công. Và tôi hy vọng rằng, tất cả các học viên của tôi hãy học tập bạn ấy qua câu chuyện tôi kể, dù chỉ một chút ít để tạo được cho mình có một hướng đi riêng, một công việc ổn định, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình", Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn kể lại.