1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn "đồ chơi chim cò"

Hoài Sơn
Đà nẵng

(Dân trí) - Gần 30 năm nay, những con tò he với hình hài ngộ nghĩnh đã theo ông Nguyễn Văn Kính (quê làng Xuân La, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đi khắp nơi đem niềm vui cho trẻ em Đà Nẵng.

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 1

Khoảng 8h sáng, ông Nguyễn Văn Kính (57 tuổi) lại sửa soạn đồ nghề tiến về công viên 29/3 (quận Thanh Khê) để nặn tò he, một món đồ chơi có tuổi đời hàng trăm năm (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 2

Tò he (con giống bột) là đồ chơi dân gian độc đáo, có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ, nơi đây người ta còn gọi tò he là "con bánh" (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 3

Ngồi ở góc công viên, tay thoăn thoắt nặn từng cánh hoa, chiếc lá, ông Kính thổ lộ với chúng tôi: "Thời xưa, tò he được đựng trong những chiếc rổ, không cắm trên thùng xốp như bây giờ. Lúc nhỏ được ba làm cho một con tò he là quý lắm" (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 4

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nặn tò he tại làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ở độ tuổi 27, ông đã tập tành vào nghề với việc nặn những kiểu dáng, hình thù đơn giản nhất (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 5

"Nghề này là nghề gia truyền, các cụ truyền lại cho tôi chứ không có trường lớp nào dạy cả. Thời xưa cả thôn đều sống khỏe với con tò he. Nhưng nay số người theo nghề còn ít lắm", ông Kính bộc bạch (Ảnh: Hoài Sơn).

Nghệ nhân làng Xuân La nặn tò he ở Đà Nẵng (Video: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 6

Bôn ba ở khắp nơi tìm kế sinh nhai, tuổi "xế chiều", ông Kính chọn Đà Nẵng làm nơi dừng chân để gìn giữ cái nghề hàng trăm năm tuổi này. Từ thứ hai đến thứ bảy, ông bán tò he tại các trường học. Đến tối, lại rong ruổi đến chợ đêm, riêng Chủ nhật, ông bán tại công viên (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 7

Khách hàng chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên. Các em nhỏ xúm xít nhau lại, thích thú chỉ trỏ những hình ngộ nghĩnh. Các bé gái thích mua bông hồng hay con gà trống sặc sỡ oai vệ, chú lợn ủn ỉn, còn bé trai mua siêu nhân, Tôn Ngộ Không (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 8

Theo ông Kính, để nặn tò he, nghệ nhân phải trải qua một quy trình tỉ mỉ từ chuẩn bị đến lúc tạo hình. Nguyên liệu tạo nên tò he được làm từ bột gạo nếp trộn chung với màu rồi nhào thành cục (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 9

"Chuẩn bị bột là công đoạn quan trọng nhất, bột được xay nhuyễn rồi đem luộc chín, trộn màu. Sau đó được nhào nặn cho dẻo và mịn, như vậy khi nặn mới cho ra con tò he đẹp. Các cục bột sau khi đạt yêu cầu được bỏ vào túi để giữ không bị khô", ông Kính chia sẻ (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 10

Tùy vào mức độ đơn giản hay phức tạp, quá trình nặn tò he có thể mất từ 1-3 phút. Dù là những chi tiết nhỏ nhất đều được trau chuốt cẩn thận (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 11

"Nhìn giống đang vọc đất vậy đó, nhưng không phải ai cũng biết về tò he đâu. Công việc của tôi không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà còn để mọi người biết về món đồ chơi dân gian của người Việt", ông Kính nói (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 12

Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá. Vì vậy mọi người thường gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò" (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 13

"Sau này, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh tò te, thế nên người ta gọi là tò te rồi nói trại thành tò he", ông Kính giải thích (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 14

Ông Kính chia sẻ thêm, mỗi con tò he được bán với giá 20.000 đồng. Những ngày hàng bán chạy nhất là vào dịp Tết Thiếu nhi (1/6), Trung thu. Bên cạnh đó các trường tiểu học vào các dịp này thường mời ông đến nặn tò he (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyện người Xuân La, 30 năm ngồi vọc bột, nặn đồ chơi chim cò - 15

"Được nhìn thấy nụ cười của đám trẻ là tôi vui và hạnh phúc lắm. Đó cũng là lý do tôi còn bám trụ với nghề. Tôi tự hào về nghề truyền thống của gia đình, hy vọng những con tò he này sẽ còn được lưu giữ mãi mãi về sau", ông Kính thổ lộ (Ảnh: Hoài Sơn).