1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3

Dương Phong

(Dân trí) - Từng là công việc được nhiều người theo đuổi, thế nhưng hiểm nguy thậm chí là mất mạng khiến họ phải từ bỏ nghề lặn. Hiện cả Thủy điện Đồng Nai 3 chỉ còn 1 người theo nghề cạnh tranh với "hà bá".

Lặn một ngày, đủ ăn cả tuần

Giữa trưa, một vùng nước rộng lớn, tiếng xuồng máy trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 vẫn vang inh ỏi. Tranh thủ trời nắng ấm, anh Nguyễn Văn Đô (SN 1984, trú xã Đắk Som, huyện Đắk G'Long) đi đặt mấy chiếc lờ bát quái để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3 - 1
Những căn nhà nổi của người dân trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3.

Anh Đô vốn là thợ lặn. Tuy nhiên công việc ngày càng ít, anh cũng chuyển dần sang nghề đánh bắt thủy sản trước khi bước sang tuổi 40. Công việc vẫn gắn bó với sông nước nhưng đỡ nguy hiểm hơn dù thu nhập không cao.

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3 - 2
Anh Nguyễn Văn Đô, người làm nghề lặn cuối cùng trên hồ thủy điện.

Người đàn ông vùng sông nước, nước da ngăm đen là nhân chứng sống của nghề "cướp cơm" hà bá ở vùng hồ thủy điện này. Đi qua bao thăm trầm của nghề lặn, anh Đô dường như đã quá quen với những vất vả của nghề "sống nay, chết mai" và coi đó như "gia vị" trong cuộc đời của mình.

Anh Đô vốn là người gốc Miên (Campuchia), biết bơi, lặn từ khi còn nhỏ. Năm 2011, khi Thủy điện Đồng Nai 3 bắt đầu tích nước, anh cùng gia đình từ Miên về đây làm nghề chài lưới.

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3 - 3
Anh Đô gắn bó với công việc này từ những ngày đầu đặt chân đến Đắk Nông sinh sống.

Thời điểm đó, hàng trăm gia đình từ Campuchia và các tỉnh miền Tây cũng lên đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Chìm tàu, rơi máy nổ, gió đánh sập nhà… khiến tài sản của người dân bị chìm xuống lòng nước. Cũng từ ngày đó, anh Đô có thêm nghề lặn để tìm tài sản.

"Có nhiều người cũng theo nghề, nhưng đến nay chỉ còn tôi. Người thì bỏ nghề, người thì bỏ mạng nên dần dần không ai còn theo nghề lặn nữa", anh Đô mở đầu câu chuyện về công việc của mình.

Chậm rãi kể về công việc từng là nguồn sống của gia đình, anh Đô cho biết, những người làm nghề lặn phần lớn là đàn ông, trai tráng có sức khỏe. Những ngày đầu, chỉ lặn ở vùng nước nông, sau này khi có thêm đồ bảo hộ thì lặn những nơi sâu hơn, có khi gần 80m.

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3 - 4
Đồ bảo hộ duy nhất là chiếc kính lặn cùng một bình dưỡng khí.

"Sau mấy lần lặn xuống lòng hồ tìm tài sản cho người trong làng chài, họ tìm tới tôi nhiều hơn. Thế rồi không biết bao giờ, họ coi mình như người chuyên đi lặn. Rồi từ vùng nước này, nhiều nơi cũng tìm đến, liên hệ nhờ mình đi lặn để vớt tài sản, vớt xác", anh Đô kể.

Lặn tìm tàu, tìm máy móc, tìm điện thoại hàng trăm lần… nhưng ám ảnh nhất với những người làm nghề lặn là tìm người. Có những người đuối nước 2-3 ngày chưa thấy xác, anh Đô phải lặn cả ngày mới tìm thấy. Khi đó thi thể không còn nguyên vẹn, đưa lên bờ rất vất vả.

"Lặn tìm tài sản thì người ta dựa trên giá trị tài sản mà trả công cho mình. Người trả 5 triệu, Người trả 6 triệu, nhưng nếu không tìm được thì chỉ được vài ba trăm nghìn bồi dưỡng. Ngày trước, tôi đi lặn 3 ngày liên tục để tìm người, kiếm được cả chục triệu đồng. Nhưng đôi khi mới nhận một "kèo" vì tìm người đuối nước cực lắm ! ", người đàn ông 37 tuổi chia sẻ.

"Nguy hiểm, bạc bẽo nên không muốn con theo nghề"

Thu nhập cao khiến nghề lặn từng được nhiều người ở lòng hồ thủy điện theo đuổi. Thế nhưng, đánh đổi với đó là những khó khăn, vất vả, thậm chí là tính mạng nên số người làm nghề lặn cũng "rơi rụng" nhiều. 

Câu chuyện của anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1987, trú tỉnh Bình Dương) là một ví dụ. Anh Nam cho biết, năm 2013, một chiếc thuyền cát lớn đã bị đắm trên lòng hồ. Một nhóm thợ lặn ở làng chài này được thuê đi tìm kiếm tàu. Cũng trong lần ấy, anh trai của anh Nam phải bỏ mạng do vỡ mạch máu não khi lặn quá sâu.

Cái chết của anh trai khiến mẹ anh- bà Lê Thị Kim Thanh (SN 1957) ám ảnh. Sau đó, bà Thanh một mực bắt anh Nam phải bỏ nghề lặn, đơn giản chỉ vì không muốn anh cũng phải bỏ mạng dưới lòng nước sâu.

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3 - 5

Cũng từ ngày anh trai mất, anh Nam (thứ nhất từ phải qua) bỏ nghề đi lặn rồi tìm cách lên bờ mưu sinh.

"Tôi nghe lời mẹ, bỏ hẳn nghề lặn rồi làm chài lưới mấy năm. Sau đó, có được ít vốn, tôi về Bình Dương để mở cửa hàng bán cá cảnh. Đến nay khi có nhiều người bỏ mạng trong lúc đi lặn, không chỉ tôi mà còn nhiều người khác cũng nghỉ rồi", anh Nam nói.

Những câu chuyện như của anh Nam không hiếm. Giờ đây, cả làng chài rộng lớn trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 chỉ còn anh Nguyễn Văn Đô gắn bó với nghề lặn. Phần vì muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình, phần vì công việc đã gắn với mình từ nhỏ nên anh Đô nhiều lần lần lữa dù vợ con đã khuyên nghỉ nhiều.

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3 - 6
Theo anh Đô thợ lặn phải có kỹ năng sinh tồn dưới nước.

Theo anh Đô, suốt mấy chục năm đi lặn, gần 10 năm lặn trên lòng hồ này, đã hơn 5 lần chứng kiến sự ra đi của các thợ lặn khác. Nhiều người chết do lặn sâu, thời gian lặn quá lâu hoặc ngoi lên mặt nước quá đột ngột. Có người đi lặn lại ăn rất no, khi xuống nước gặp áp lực, thức ăn bị ép trào ra hết, khi đó rất nguy hiểm đến tính mạng.

"Tôi có thể cả ngày dưới nước để làm thợ lặn, thế nhưng cứ 3-4 tiếng là lên bờ nghỉ một lần để giữ ấm cho cơ thể. Bây giờ đi lặn, lúc nào cũng phải mang theo bình khí. Đặc biệt, khi đến vùng nước sâu, phải buộc chắc một sợi dây bên người, khi nào chịu không nổi thì giật dây để người trên bờ kéo lên sớm", nam thợ lặn cho hay.

Chuyện nghề của người thợ lặn cuối cùng trên Thủy điện Đồng Nai 3 - 7
Gắn bó với nghề lặn hàng chục năm, anh Đô không muốn con trai theo nghề của mình.

Nói về dự định phía trước, người đàn ông sông nước cho hay, bây giờ đã có tuổi, lại nhiều lần chứng kiến cảnh những đồng nghiệp bỏ mạng, anh dự định chỉ làm nghề lặn thêm 1-2 năm nữa rồi nghỉ. Hiện có 1 người đàn ông hơn 40 tuổi đang theo anh học nghề lặn, với hy vọng thay thế anh trong tương lai.

"Tôi không cho con theo nghề này, dù có nghèo, có vất vả thì cũng không cho. Nghề này bạc bẽo, nguy hiểm lắm. Ai không may mắn thì chết, ai sống thì phần lớn bị điếc do thủng màng nhĩ trong quá trình đi lặn", anh Đô giọng quả quyết, đưa ánh mắt về phía người con trai đang lái xuồng máy đi đánh cá.