1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiếm tiền triệu/ngày giữa rừng Tây Nguyên từ việc..“vạch lá tìm sâu”

(Dân trí) - Mệnh danh là “tôm rừng Tây Nguyên”, sâu và nhộng bướm trở hàng hiếm, được tìm mua. Đặc sản này giúp nhiều người có thu nhập cao nhờ công việc "vạch lá tìm sâu".

Thời điểm này, nhiều người dân ở Đắk Lắk, Đắk Nông đang rủ nhau đi “săn” nhộng và sâu bướm, tranh thủ khi mùa thu hoạch hồ tiêu đã kết thúc.

Công việc “vạch lá tìm sâu” diễn ra chỉ khoảng 2 tuần cuối mùa khô trước khi những con sâu hóa bướm, nhưng cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người đi “săn”.

Kiếm tiền triệu/ngày giữa rừng Tây Nguyên từ việc..“vạch lá tìm sâu” - 1

Cuối mùa khô, người Tây Nguyên rủ nhau đi "vạch lá tìm sâu"

Theo người dân địa phương, đặc biệt là người đồng bào Ê Đê, sâu muồng và nhộng bướm thường hình thành và phát triển vào cuối mùa khô. Bướm đẻ trứng và tạo kén ngay dưới những tán lá. Tranh thủ lúc này, người dân đi bắt nhộng và sâu bướm về ăn và đem bán.

Từ sáng sớm, anh Y Zem (buôn Kao, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk) đã cùng con gái đi lùng sục khắp các vườn cây xung quanh nhà để tìm “tôm rừng Tây Nguyên”.

Kiếm tiền triệu/ngày giữa rừng Tây Nguyên từ việc..“vạch lá tìm sâu” - 2
Thực chất là đi bắt nhộng bướm và sâu muồng

Người đàn ông 45 tuổi này cho biết, mùa sâu muồng chỉ diễn ra khoảng 2- 3 tuần, rộ nhất là đầu tháng 4. Khi đó mưa bắt đầu xuất hiện, cây muồng có lá non, bướm đẻ trứng ngay trên những ngọn cây, rồi hình thành sâu, ăn lá cây để phát triển. Chỉ cần nhìn cây nào trụi lá là biết cây có đó nhộng bướm, sâu muồng.

Nhộng bướm và sâu muồng ban đầu chỉ có người Ê Đê ăn. Thế nhưng về sau nhiều người khác cũng biết ăn và tìm mua “đặc sản” này. Từ đó hình thành nghề đi săn nhộng và sâu muồng.

Kiếm tiền triệu/ngày giữa rừng Tây Nguyên từ việc..“vạch lá tìm sâu” - 3
Nhiều người ăn sống những con nhộng để cảm nhận sự béo ngậy

“Loại này không phải ai cũng ăn được, nhiều người ăn là bị ngứa, nổi mề đay không chịu nổi. Thế nhưng ai ăn được thì lại nghiện, nó béo ngậy hơn cả nhộng tằm, có người còn ăn sống cả con sâu để cảm nhận được vị béo”, anh Y Zem nói rồi minh chứng bằng cách bỏ cả con nhộng xanh nõn vào miệng nhai.

“Nếu đi nhặt từ sáng sớm đến chiều thì hai bố con cũng kiếm được gần chục ký (kg). Ba hôm trước cả nhà đi nhặt còn được gần một gùi. Để lại một ít cho gia đình ăn còn đâu đem bán. Ngoài chợ bây giờ họ mua 180.000 đồng một ký, nếu may mắn thì được hơn 1 triệu đồng”, anh Zem kể.

Kiếm tiền triệu/ngày giữa rừng Tây Nguyên từ việc..“vạch lá tìm sâu” - 4

Chị H'Brên Niê cũng tranh thủ đi tìm sâu muồng và nhộng bướm

Chị H'Brên Niê (buôn Bling, xã Ea Kbang, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cũng tranh thủ thời điểm này để đi tìm sâu muồng và nhộng bướm. Thức ăn “có một không hai” này chỉ sinh nở một năm 1 mùa (từ tháng 3 đến giữa tháng 4) nên cứ 3 ngày một lần, chị lại cùng mấy đứa con lên rẫy tìm nhặt.

Đúng lúc các con nghỉ học phòng chống dịch Covid-19 nên hàng ngày ba mẹ con cũng kiếm được kha khá sâu muồng, vừa để ăn, vừa để bán. Công việc khá đơn giản và nhẹ nhàng, chỉ cần vạch mặt sau của lá để nhặt nhộng bướm, một số cây muồng cao mới phải dùng thang đứng lên nhặt.

“Trước đây chỉ có người đồng bào mình ăn nhưng bây giờ cả người Kinh cũng ăn. Cứ mang ra chợ là họ mua hết. Nhộng bướm thì bán giá cao hơn, tầm 150.000-180.000 đồng/kg, còn sâu thì giá chỉ tầm 120.000 đồng/kg nên chủ yếu để ở nhà ăn. Ba mẹ con đi nhặt thì cũng kiếm được vài ba trăm mỗi ngày”, chị H’Brên cho biết.

Kiếm tiền triệu/ngày giữa rừng Tây Nguyên từ việc..“vạch lá tìm sâu” - 5

Nhộng bướm thì bán giá cao hơn, tầm 150.000-180.000 đồng/kg

Chia sẻ thêm về món ăn được mệnh danh là “tôm rừng xanh” này, chị H’Brên miêu tả, chúng có thân mình nhỏ, nhọn hai đầu, lưng màu nâu vàng, hai bên mình có sọc màu nâu thẫm. Những con nhộng bướm ngon là những con to mập, có vị béo, ngọt nước, khi ăn vào sẽ tan chảy trong miệng.

Chế biến món này cũng rất dễ, chỉ cần luộc sơ rồi cho vào chiên, xào hoặc hấp… thậm chí là ăn sống với muối ớt hoặc muối tiêu.

Những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những rổ nhộng bướm đầy ắp, béo ngậy xuất hiện tại các chợ của ở Đắk Lắk, Đắk Nông.

Chị Đỗ Thị Thủy, trú huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, giá sâu muồng, nhộng bướm giao động từng năm, nhưng năm nay thì có vẻ cao vì ít người đi nhặt. Khi gom hàng của người dân, giá dao động từ 150.000 đồng- 170.000 đồng/kg nên khi bán thì khoảng 180.000 đồng- 200.000 đồng.

Kiếm tiền triệu/ngày giữa rừng Tây Nguyên từ việc..“vạch lá tìm sâu” - 6

Công việc nhẹ nhành nhưng cũng giúp người đi săn kiếm tiền triệu 

Chị Thủy xởi lởi cho hay: “Mỗi ngày tôi gom được hơn chục ký, vừa bán online, vừa mang ra chợ bán. Nói chung là tranh thủ hai ba tuần cuối mùa khô mới có nhộng chứ mưa xuống là không có nhộng nữa đâu”.

Cũng theo chị Thủy, nguồn hàng của chị được gom chủ yếu từ các hộ dân, cả Đắk Lắk và Đắk Nông. Hàng gom trong ngày, nếu để qua ngày khác thì phải sơ chế, không nhộng sẽ già, không còn nhiều giá trị.

“Cũng có nhiều người mua về bán lại, nhưng mình mối quen nên mới gom được nhiều thế. Năm ngoái tôi cũng bán hàng này, cả mùa cũng lời được vài ba triệu sau khi trừ tiền xăng xe, điện thoại”, chị này nói thêm.

Đặng Dương