1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cả nước có thêm 110.000 tỷ đồng để chi lương trong năm 2025

Hoa Lê

(Dân trí) - Quốc hội đồng ý việc sử dụng ngân sách tích lũy cho cải cách tiền lương còn dư năm 2024 chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 để chi lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Chiều 13/11, với 432/432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2025 là hơn 1 triệu tỷ đồng, ở địa phương là 946.675 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số chi ngân sách trung ương là hơn 1,5 triệu tỷ đồng.  

Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Đối với các đơn vị hành chính nhà nước có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, Nghị quyết cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức.

Cả nước có thêm 110.000 tỷ đồng để chi lương trong năm 2025 - 1

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (Ảnh: QH).

Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, bãi bỏ các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, Chính phủ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về việc điều chỉnh dự toán của các cơ quan, đơn vị và tổng hợp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quốc hội giao Chính Phủ thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội.

Việc giao này có thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chính phủ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định.

Cả nước có thêm 110.000 tỷ đồng để chi lương trong năm 2025 - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh (Ảnh: QH).

Trước khi thông qua dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, có ý kiến đề nghị thực hiện đúng quy định theo Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội, các quy định pháp luật có liên quan và Kết luận của cấp có thẩm quyền về việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, tuân thủ Điều 50 của Luật Ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 phải thực hiện theo quy định theo Nghị quyết 142/2024/QH15, các quy định pháp luật có liên quan và Kết luận của cấp có thẩm quyền về việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như phương án Chính phủ trình.

Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 142 và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết quy định: "Trong tổ chức thực hiện, sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, bãi bỏ các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, căn cứ vào quy định của pháp luật, Chính phủ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền về việc điều chỉnh dự toán của các cơ quan, tổng hợp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị của trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội.