DMagazine

Chuyển đổi mô hình "lao động giá rẻ": Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam?

(Dân trí) - Đặc điểm nền kinh tế thâm dụng lao động đang bộc lộ rõ ở Việt Nam, như sự gia tăng của những ngành kinh tế thu hút nhiều lao động giá rẻ, hay những bất ổn đến từ thị trường lao động, việc làm.

Đặc điểm của nền kinh tế thâm dụng lao động đang ngày càng bộc lộ rõ ở Việt Nam, như sự gia tăng của những lĩnh vực, ngành kinh tế thu hút nhiều lao động giá rẻ, hay những bất ổn đến từ thị trường lao động, việc làm.

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 1

Bốn tháng đại dịch hoành hành nghiêm trọng tại vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, với những "tâm chấn" như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai làm phức tạp thêm tình hình lao động tại Việt Nam. Hơn 1,3 triệu lao động rời bỏ khỏi thành phố vì lo ngại dịch bệnh, trong đó phần lớn là lao động nhập cư, lao động phổ thông. Số lao động mất việc, theo tính toán sơ bộ, thì tới khoảng 3 triệu người.

Khi Việt Nam khống chế được sự lây lan chết chóc và chấp nhận sống chung cùng dịch bệnh, các nhà máy, xí nghiệp "đói" công nhân, doanh nghiệp cần lao động như người đói cần cơm. Đó cũng là lúc bài toán thực tế một lần nữa thể hiện rõ, doanh nghiệp tập trung với mức độ cao ở các khu công nghiệp, các đô thị trung tâm khiến áp lực hạ tầng, an sinh gia tăng đột biến. Cuộc sống của hàng triệu công nhân trở nên ngột ngạt với đủ mối lo âu, bức bối.

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 2

Chuyện khan hiếm, thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông trong các ngành sử dụng nhiều nhân công như dệt may, da giày ở các tỉnh phía Nam không phải sau đại dịch mới thấy rõ mà hàng năm, qua các đợt nghỉ lễ, Tết Nguyên đán đã xuất hiện.

Các trung tâm công nghiệp đã tái diễn nhiều năm cảnh doanh nghiệp dệt may, da giày, lắp ráp điện tử phải rất vất vả tìm kiếm lao động sau chuỗi ngày nghỉ kéo dài, khi lao động bỏ việc, tìm việc mới. Vì vậy, nhiều chuyên gia, cơ quan xây dựng, phản biện chính sách đánh giá, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua chỉ là "giọt nước làm tràn ly", để phơi bày rõ những hệ quả của cơ cấu sản xuất dựa nhiều vào lợi thế lao động giá rẻ đã được duy trì trong một thời gian dài.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, da giày, điện tử của Việt Nam luôn đạt cao nhất trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2021, dệt may đạt hơn 26 tỷ USD, da giày hơn 14 tỷ USD, điện thoại - linh kiện hơn 46 tỷ USD và máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện hơn 40 tỷ USD, chiếm gần 47% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 4

Tuy nhiên, 80% giá trị xuất khẩu hàng hóa nói trên vẫn nằm trong tay các nhà tư bản nước ngoài, nhiều địa phương có nhà máy gia công các sản phẩm xuất khẩu trên chỉ giải được bài toán việc làm, lao động. Ở tầm vĩ mô hơn, Việt Nam vẫn phải tăng cường nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhận đơn hàng gia công, tham gia vào khâu thấp của chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành bàn đạp xuất khẩu đi các thị trường khác nhờ lợi thế về mở cửa và thuế quan được cắt giảm.

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 6

Kể từ sau Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1986), qua hơn 3 thập kỷ chuyển đổi nền kinh tế, Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo đói, lạc hậu để trở thành nền kinh tế hội nhập, năng động và mở cửa.

Sự thay đổi của nền kinh tế hướng mở đã giúp Việt Nam đạt được thành tích về xuất khẩu, tăng trưởng cao và thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chiến lược đề ra. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế đó được đánh giá là chưa bền vững do nền kinh tế có mức độ thâm dụng lao động cao, kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu, xuất khẩu tập trung lớn vào hoạt động gia công, thâm dụng vốn lớn.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam, 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot... Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Theo báo cáo của tổ chức Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang (CSIRO), Australia và Bộ Khoa học - Công nghệ công bố tháng 11/2021, tỷ lệ doanh nghiệp ở Việt Nam có nghiên cứu và phát triển trong các ngành sản xuất còn rất thấp ,như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, sản xuất hóa chất 15%, sản xuất chế biến thực phẩm 9%, sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, dệt may 5%.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, thiếu ăn, Việt Nam đã chuyển mình là quốc gia xuất khẩu lương thực, thủy sản, dệt may và hiện nay là điện tử, thiết bị linh kiện, viễn thông và sắp tới có thể là ô tô. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa thay đổi được cốt lõi nền kinh tế khi Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn của "bẫy thu nhập trung bình" và "bẫy lao động giá rẻ".

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 7

GS.Hoàng Văn Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khái quát, trong nhiều thập kỷ kêu gọi đầu tư để gia tăng GDP, giải quyết việc làm, lao động, Việt Nam đã đạt thành tựu trở thành nước có thu nhập trung bình, có quy mô GDP cao, nền kinh tế hướng mở, xuất khẩu và một điểm đến hàng đầu. Tuy nhiên, chỉ thế thôi chưa đủ để trở thành một nước giàu, hiện đại.

"Bản chất của nền kinh tế mạnh, cốt yếu phải tạo giá trị gia tăng trong nội địa cao và đi đầu trong chuỗi giá trị sản xuất. Muốn vậy phải đổi mới cách nghĩ, cách đầu tư vào công nghệ, vào khoa học, phải có đào tạo 4.0, phải giữ đất cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển, ươm mầm cho họ để tạo dựng ngành nghề mới, lĩnh vực mới", GS Cường nói.

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 9

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã, đang và sẽ gặp phải hai mặt của vấn đề thâm dụng lao động là: Giữ vững tăng trưởng và giải quyết việc làm.

"Trong khi các địa phương muốn tăng RGDP, họ tận dụng mọi nguồn vốn FDI, coi việc thu hút được FDI là thành quả của phát triển. Nhưng như thế thì chưa tìm ra lời giải cho bài toán đổi mới mô hình tăng trưởng, bài toán thâm dụng lao động giá rẻ, bài toán tạo việc làm. Tăng trưởng chỉ bền vững khi chúng ta tạo được giá trị gia tăng trong nội địa, với mô hình mới, cách thức mới, từ đó mới có hiệu quả mới", chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, giải bài toán thâm dụng lao động, lợi thế lao động giá rẻ phải bắt đầu từ tư duy kinh tế, cụ thể là từ tư duy tăng trưởng bao trùm, bền vững và mô hình mới thay vì đi con đường cũ, đẩy vốn vào để lấy tăng trưởng, việc làm.

GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chiến lược cảnh báo: "Nếu Việt Nam vẫn dùng bài cũ, thu hút FDI đổi lấy tăng trưởng, việc làm thì sẽ không thể thoát khỏi vấn đề của chính mình. Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra cho đất nước cơ hội. Phải thay đổi tư duy người lãnh đạo, thay đổi cách thức phát triển thì mới chuyển mình được. Nếu đứng ngoài, không chấp nhận sự thay đổi, chúng ta sẽ đi sau, không đi cùng được với thế giới".

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 11

Theo chuyên gia Võ Đại Lược, thách thức của Việt Nam để thay đổi nền kinh tế gia công, thâm dụng lao động hiện nay rất rất. Việc giao quyền chấp thuận dự án FDI vào tay các địa phương khiến cho các tỉnh, thành có quyền cao hơn và từ đó cho họ lựa chọn nhiều hơn.

"Nếu lãnh đạo địa phương dùng tư duy mới, bỏ được tư duy nhiệm kỳ, họ sẽ biết chọn dự án FDI có tính bền vững. Còn nếu muốn "ăn ngay, giải quyết việc làm sớm", họ sẽ chọn thu hút đầu tư ồ ạt", ông Lược cho hay.

Ngoài ra, việc xem trọng vốn FDI, địa phương nào cũng thích thú với chỉ số tăng RGDP trong khi vấn đề trực tiếp của thâm dụng lao động, bẫy lao động giá rẻ hiện là chất lượng nguồn nhân lực và công tác đào tạo.

Chuyển đổi mô hình lao động giá rẻ: Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam? - 12

"Giáo dục nghề nghiệp vẫn nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn, chưa kết nối được với nhà trường và doanh nghiệp là câu chuyện nói nhiều năm mà vẫn chưa thay đổi được. Muốn có lao động 4.0, phải có giáo dục 4.0", GS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Về cơ hội, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam phải xác định vượt qua bẫy lao động giá rẻ càng nhanh càng tốt, chấm dứt thu hút đại trà các dự án thuần về sử dụng lao động, chiếm đất, ô nhiễm môi trường... bởi nếu không thay đổi từ tư duy, cách nghĩ, cách làm, không giải phóng được nguồn lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng.

GS Võ Đại Lược cho rằng: "Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh, mạnh và không theo tuần tự. Việt Nam phải đem cái mới để đối thoại với cái mới, để có hiệu quả mới. Không thể sử dụng công cụ cũ, cách nghĩ cũ về tính tuần tự để đối diện với cái mới, thay đổi bởi đổi mới là thách thức, phải đổi mới từ tư duy người đứng đầu, đến người lao động, đây là việc chủ động nắm bắt, đi song hành với các nước".