1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vì sao nhiều lao động hồi hương đăng ký vay vốn nhưng chưa được giải ngân?

Thanh Tùng

(Dân trí) - Khoảng 161.000 lao động từ vùng dịch hồi hương, hơn 3.000 hộ đăng ký vay vốn để sản xuất trở lại sau dịch nhưng đến nay ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân hết theo nguyện vọng của người lao động.

Trong khuôn khổ phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa, khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021- 2026), các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa về vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho người lao động hồi hương tránh dịch.

56.000 lao động miền núi hồi hương 

Theo đại biểu Hàn Văn Hải (huyện Hậu Lộc), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động trong thời gian qua đã chịu nhiều tác động. Một số lượng lớn người lao động tại các tỉnh, thành phố lớn bị mất việc làm, phải trở về quê. Ông Hải cho rằng cần phải phân bố lại lao động phù hợp với từng vùng miền, địa phương. 

Vì sao nhiều lao động hồi hương đăng ký vay vốn nhưng chưa được giải ngân? - 1

Đại biểu Hàn Văn Hải (huyện Hậu Lộc) đặt câu hỏi về những giải pháp phân bố lại lao động phù hợp với từng vùng miền, địa phương (Ảnh: Thanh Tùng).

Trả lời ý kiến của đại biểu, bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động. Bên cạnh việc tham mưu giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, ngành LĐ-TB&XH còn tập trung thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, trở về từ vùng dịch.

Theo bà Hương, tính từ thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, đã có khoảng 205.000 người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, trong đó có khoảng 161.000 người trong độ tuổi lao động (khu vực thành phố, thị xã là 36.000 người; đồng bằng ven biển là 69.000 người và miền núi là 56.000 người).

"Từ con số này cho thấy lao động tại các huyện khu vực miền núi chiếm số lượng tương đối. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay tại các huyện khu vực miền núi của tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn để thu hút lao động vào làm việc.

Vì vậy, người lao động tại những địa bàn này có xu hướng rời quê hương để đến các vùng đô thị, đồng bằng ven biển trong tỉnh hoặc đến các tỉnh, thành phố khác có sự tập trung nhiều khu công nghiệp để tìm việc làm. Khi dịch bùng phát, một số lượng lớn lao động mất việc lại về quê hương. Điều này gây ra nhiều áp lực cho chính quyền địa phương trong công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp hiệu quả để phân bố, sắp xếp lại lao động", bà Hương lý giải.

Vì sao nhiều lao động hồi hương đăng ký vay vốn nhưng chưa được giải ngân? - 2

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn của đại biểu và cử tri (Ảnh: Thanh Tùng).

Về giải pháp, theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, để từng bước giải quyết vấn đề này thì các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi cần tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp. Trong đó ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, với yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật không cao như dệt may, giày da… Tạo điều kiện thuận lợi để dịch chuyển lao động phổ thông về các địa bàn nông thôn, miền núi, góp phần giảm tải áp lực việc làm cho khu vực thành thị. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng quy hoạch sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để sắp xếp, bố trí lao động phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố. 

Hơn 24 tỷ đồng cho lao động hồi hương vay vốn

Thông qua đường dây nóng của kỳ họp, cử tri Lê Văn Khắc (xã Công Chính, huyện Nông Cống) đề nghị cần có chính sách hỗ trợ cho công dân đi làm ăn xa trở về địa phương được vay vốn để sản xuất. 

Về câu hỏi này, bà Vũ Thị Hương cho biết, để hỗ trợ cho người lao động đi làm ăn xa trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì ngày 2/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành phương án 198 về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Trong phương án có 5 giải pháp hết sức cơ bản hỗ trợ cho người lao động. Trong đó giải pháp thứ 5 là hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm. 

Vì sao nhiều lao động hồi hương đăng ký vay vốn nhưng chưa được giải ngân? - 3

Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 10/12, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 (Ảnh: Thanh Tùng). 

Theo đó, người lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm có nhu cầu vay vốn, tự tạo việc làm thì được ưu tiên vay vốn tại Ngân hàng chính sách với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo (tương đương 0,66%/tháng), với mức vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Thời hạn vay không quá 120  tháng theo quy định tại Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

"Hiện, toàn tỉnh đã có 346 dự án được vay, và đã giải ngân trên 24 tỷ đồng. Nhóm giải pháp này đã phát huy hết sức hiệu quả, vì vậy, đề nghị với đại biểu và cử tri liên hệ với UBND huyện, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội của huyện để được làm hồ sơ và đăng ký vay vốn".

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cùng tham gia trả lời chất vấn.

Theo ông Quyền, phương án 198 của tỉnh là một phương án khá tốt và có đầu tiên trên cả nước về việc đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Tính đến thời điểm tháng 10, toàn tỉnh có 2.120 hộ gia đình trở về từ vùng dịch đăng ký vay vốn với số tiền là 169 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với phương án 198, thì đây là phương án dành cho các đối tượng do chính sách của tỉnh ban hành. Vì vậy, nguồn lực này phải do nguồn lực của tỉnh bố trí để thực hiện. 

Vì sao nhiều lao động hồi hương đăng ký vay vốn nhưng chưa được giải ngân? - 4

Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Trước thắc mắc của cử tri về việc đã đăng ký nhưng chưa được vay vốn, ông Quyền lý giải: "Trong dự toán ngân sách năm 2022 được UBND tỉnh trình tại kỳ họp thì dự toán có bố trí 10 tỷ đồng trong năm 2022. Do vậy, số tiền này để đáp ứng được nhu cầu người dân hiện nay thì không đủ, nếu cho vay cũng chỉ được 100 hộ".

Theo báo cáo số liệu mới nhất, đến tháng 12/2021, số gia đình đăng ký đã là 3.072 hộ (tương đương 246 tỷ). Ngân hàng chính sách xã hội địa phương đang cố gắng bằng nguồn thu hồi tối đa có thể để giải quyết phần nào cho người dân. Ngoài ra, theo ông Quyền, tỉnh cần cân đối một nguồn vốn phù hợp để đáp ứng được mong mỏi của người dân.