Đắk Nông:

Lao động hồi hương để tránh dịch được nhận "phao cứu sinh"

Đặng Dương

(Dân trí) - Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, lao động của tỉnh Đắk Nông khi chọn ở lại quê lập nghiệp đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Được vay tới 60 triệu đồng

Ông Y'Vít (bon Đắk R'la, xã Đắk N'drót, Đắk Mil) trở về từ tỉnh Bình Dương được hơn 2 tháng nay. Từng làm việc cho một doanh nghiệp chế biến gỗ, nhưng vì Covid-19, gia đình ông phải tìm đến công việc hái khoán cà phê để trang trải cuộc sống. Chính vì thế đối với ông Y'Vít, được vay vốn làm ăn thực sự là một điều may mắn trong thời điểm khó khăn "hậu Covid-19".

Cuối tháng 11, ông Y'Vít được hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh với số tiền 60 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Có được số vốn, gia đình bắt tay ngay vào việc đầu tư chuồng trại chăn nuôi và phân bón để chăm sóc cho cây trồng của gia đình.

Lao động hồi hương để tránh dịch được nhận phao cứu sinh - 1

Chị H'Dhon Knul được vay 60 triệu đồng để đầu tư, tái sản xuất sau khi trở về tỉnh Bình Dương.

Cũng giống hoàn cảnh của ông Y'Vít, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến chị H'Dhon Knul từng làm lao động tự do làm việc tại Bình Dương phải trở về quê nhà Đăk Nông để mưu sinh.

Không có việc làm, không thu nhập, trong lúc khó khăn chưa biết lo kinh phí gây dựng lại cuộc sống thì đầu tháng 11, người phụ nữ ngụ tại xã Đắk N'drót (huyện Đắk Mil) này đã được  tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH.

Chị H'Dhon Knul chia sẻ: "Trong mùa dịch này, đủ thứ phải cần đến tiền nhưng khó khăn quá, không dám vay ngoài vì lãi suất cao quá. Khi biết tôi là người lao động bị mất việc do dịch, ngân hàng tạo điều kiện cho vay 60 triệu đồng. Với số tiền này, tôi đã mua được mấy tấn phân bón cùng đặt cọc ít cây giống, chuẩn bị đến mùa mưa sang năm xuống giống".

"Phao cứu sinh" cho lao động mất việc

Tại huyện Đắk Mil, để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người lao động hồi hương, từ tháng 7 đến tháng 11/2021, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện này đã rà soát và giải ngân cho 29 lao động với số tiền hơn một tỷ đồng.

Tương tự, tại huyện Đắk Song, Phòng giao dịch NHCSXH cũng đã rà soát những lao động trở về địa phương có nhu cầu vay vốn, qua đó đã giải ngân cho 168 lao động với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.

Lao động hồi hương để tránh dịch được nhận phao cứu sinh - 2

Nhiều người lao động được tiếp cận nguồn vốn trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh (Ảnh: N.L.)

Để triển khai chương trình vay vốn cho lao động hồi hương tránh dịch, NHCSXH huyện phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách nhu cầu vay để bố trí vốn và để người lao động sớm tiếp cận nguồn vốn.

Theo ông Trịnh Công Phái, Trưởng phòng Lao động Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, bên cạnh hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ thì việc hỗ trợ vốn vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động ổn định cuộc sống.

"Trước thực tế trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông có khoảng 20.000 người lao động trở về quê do dịch bệnh, phần lớn đều đối diện với những khó khăn về kinh tế. Việc triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ vốn, tạo việc làm giúp cho những lao động gặp khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống", ông Phái nhận định.

Được biết, tính đến cuối năm 2021, Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Nông đã rà soát và giải ngân cho hơn 1.400 lao động với số tiền hơn 51 tỷ đồng. Trong đó, số lao động là người dân tộc thiểu số trở về quê được vay vốn hỗ trợ sản xuất là 471 lao động với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Ông Phan Nhật Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp cho rằng, do dịch bệnh Covid-19, số lao động trở về địa phương rất nhiều. Do đó, nguồn vốn vay là giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm đối với người lao động.

"Có nguồn vốn sản xuất trong thời điểm dịch bệnh đã tạo tâm lý yên tâm cho người dân ngay trên chính quê hương mình. Đây không chỉ là giải pháp giúp địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân, mà còn góp phần phòng, chống dịch bệnh khá hiệu quả", ông Thanh khẳng định.