1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chủ vườn mai "dài cổ" chờ thương lái, nguy cơ lỗ 5 tỷ đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Làng mai Bình Lợi không còn cảnh nhộn nhịp thương lái đến mua như mọi năm, cận Tết, chủ vườn và nhân công "dài cổ" trông ngóng khách.

Cảnh ế ẩm chưa từng thấy

Tại làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM), có hơn 20 chủ vườn còn trụ lại nghề. Trong đó, ông Dương Đức Xuyên (45 tuổi) là một trong những người có thâm niên theo nghề lâu nhất.

Đến nay, ông Xuyên có hơn 20 vườn mai, trồng được gần 80.000 cây. Thông thường, mỗi ha đất có thể cho lợi nhuận 500 đến 1 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư chiếm 30-40% giá trị cây mai.

Chủ vườn mai dài cổ chờ thương lái, nguy cơ lỗ 5 tỷ đồng - 1

Ông Dương Đức Xuyên bên cạnh vườn mai rộng 1.000m2 trong số hơn 20 vườn mà ông sở hữu (Ảnh: Quang Ninh).

Song, dù số lượng mai nhiều, nuôi trồng đúng tiến độ, ông Xuyên vẫn ngao ngán vì năm nay quá ế ẩm. Dù đã vào cao điểm Tết nhưng ông Xuyên chỉ mới bán được 700-800 cây. Con số này giảm gấp nhiều lần so với số lượng 5.000 cây như năm ngoái.

"Theo nghề 10 năm, đây là lần đầu tôi thấy cảnh ế ẩm như vậy. Sau dịch Covid-19, kinh tế vẫn còn ổn định, người dân mua sắm nhiều lắm nhưng năm nay khủng hoảng kinh tế diễn ra, đây cũng là khó khăn chung", ông Xuyên bộc bạch.

Theo ông Xuyên, thông thường thương lái sẽ đặt cọc trước 500 cây để khi đến cao điểm Tết sẽ đủ cây bán. Tuy nhiên, năm nay người mua cọc trước chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa tới 5%. Thậm chí, có vài người "lặn" mất, chuyển nghề. 

Về nguyên nhân, ông chủ vườn cho rằng, ngoài nhu yếu phẩm cần thiết ngày Tết, loại hàng hóa khác đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Từ đó, những thương lái cũng e ngại, không nhập hàng nhiều mà đợi đến khi cây ra hoa, tình hình kinh tế thế nào rồi tính tiếp.

"Thương lái làm vậy cũng có lí do. Khi nhập ít thì dù có gặp rủi ro thì họ cũng chỉ thua lỗ tiền mặt bằng, vận chuyển. Còn nhập nhiều mà với tình hình kinh tế như năm nay, tôi e rằng sẽ hụt vốn lên cả trăm triệu", ông Xuyên nói.

Chủ vườn mai dài cổ chờ thương lái, nguy cơ lỗ 5 tỷ đồng - 2

Năm nay tình hình kinh doanh ế ẩm, nhiều đêm ông Xuyên thức trắng tìm giải pháp (Ảnh: Quang Ninh).

Với số lượng vườn lớn, ông Xuyên kinh doanh với tiêu chí "lấy ngắn nuôi dài". Năm ngoái, chủ vườn chỉ chi hơn 2 tỉ đồng cho các chi phí như thuê đất (30-45 triệu đồng), nhân công, điện nước,… mà vẫn thu về lợi nhuận khủng. Riêng năm nay, với số tiền đầu tư hơn 5 tỉ đồng, ông Xuyên chỉ mong lấy lại được vốn, năm sau làm ăn tiếp.

"Khó khăn này chất chồng khó khăn khác. Năm nay đã bán chậm rồi, ngân hàng lại chưa giải ngân, lãi suất vay tăng 50% khiến chủ vườn chúng tôi vô cùng đau đầu. Lỡ Tết này không bán được, tôi cũng đã hết tiền duy trì vốn đầu tư cho năm sau, đành trả bớt 1 mặt bằng cho người ta", ông Xuyên trầm tư.

Chủ vườn mai dài cổ chờ thương lái, nguy cơ lỗ 5 tỷ đồng - 3

Tết năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, cây ra hoa trễ hơn mọi năm (Ảnh: Quang Ninh).

Mong Tết ấm no

Trước đó, vừa qua mùa xuân, chủ vườn đã tiến hành thay lá cho cây. Đến tháng 7, khi cây mai có dấu hiệu ra nụ thì người trồng sẽ sử dụng bao chuyên dùng, chặn không cho ra hoa sớm. Chờ đến khi nụ khô, rồi kích nụ, cho tróc vỏ trấu sau 4 ngày. Nếu hoa ra chậm, chủ vườn sẽ liên tục cung cấp nước cho cây, còn nếu hoa ra nhanh thì cây được hãm nước lại.

Chủ vườn mai dài cổ chờ thương lái, nguy cơ lỗ 5 tỷ đồng - 4

Nhân công tất bật lặt lá, chuẩn bị cho thời điểm ra hoa rực rỡ của cây mai (Ảnh: Quang Ninh).

 Hàng năm, quy trình rớt lá sẽ diễn ra vào ngày 10/12. Nhưng đầu năm 2023, gió hướng Bắc làm ảnh hưởng đến cây, khiến hoa chậm phát triển 3-4 ngày so với năm ngoái. Vậy nên, các chủ vườn cũng chủ động tỉa lá sớm hơn. 

Được biết, một luống có 170 cây, nhưng thường có khoảng 20 cây bị hư, không tính tiền. Giá bán dao động từ 300.000 đồng đến hơn 6 triệu đồng, tùy vào chiều cao, hình dáng cây. Nếu năm nay bán chậm, chủ vườn vẫn không giảm giá vì muốn giữ nguyên giá trị của cây. Ngoài ra, việc giảm giá sẽ khiến mức giá bán vào năm sau bị phụ thuộc.

Ngoài ông Xuyên, hơn 20 nhân công tại vườn cũng đang tất bật làm việc. Bà Huỳnh Thị Thu Hồng (60 tuổi) chia sẻ, bà đã làm công việc này liên tiếp 3 mùa Tết. Mỗi ngày, bà Hồng làm từ 8-9 tiếng, với mức lương 35.000 đồng/giờ.

Thường ngày, bà phụ chồng đi làm phụ hồ. Công việc không ổn định, thu nhập thấp khiến vợ chồng bà chỉ đủ chi tiêu. Vậy nên, gia đình vốn mong chờ vào mỗi dịp Tết, để kiếm được nhiều tiền hơn.

"Công việc này không quá vất cả, tôi lớn tuổi nhưng cũng làm được. Số tiền này giúp tôi mua được mớ rau, mớ cá nấu cơm cúng Tết là thấy vui rồi, sắm sửa quần áo mới thì chắc không có", bà Hồng gượng cười.

Đang bận rộn tỉa lá gần đó, anh Lâm Thái Hòa bộc bạch rằng, anh vừa nhận quyết định thôi việc vài ngày trước. Anh Hòa từng là công nhân tại công ty sản xuất gỗ ở tỉnh Bình Dương, với mức lương 8 triệu đồng. Ngày bị cho thôi việc, anh bàng hoàng vì chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết.

Chủ vườn mai dài cổ chờ thương lái, nguy cơ lỗ 5 tỷ đồng - 5

Bà Hồng yêu thích công việc này, bởi nó không quá nặng nhọc, lại có thể có tiền tiêu Tết (Ảnh: Quang Ninh). 

"May mắn được bạn giới thiệu vào đây làm, chủ yếu kiếm vài đồng tiêu Tết, chờ tìm việc mới. Có lẽ năm nay tôi sẽ không về quê, vì không có tiền. Thấy ở đây nhiều người khó khăn giống tôi lắm, kể cả ông chủ cũng bán ế ẩm. Hi vọng năm sau mọi thứ sẽ tốt hơn", anh Hòa tâm sự.

Tại đây, có không ít người là lao động đã về hưu, người là công nhân thất nghiệp ở nhà máy. Hễ có ai xin vào làm, ông Xuyên đều đồng ý mà không bận tâm tuổi tác, ngoại hình.

Dù biết trước sẽ bị tồn nhiều hàng, ông Xuyên vẫn mang nhiều hi vọng cho một mùa Tết đủ đầy. Không chỉ riêng ông, nhiều thương lái khác cũng đang ngóng chờ khách đến hỏi mua, để nhanh chân đi đặt hàng. Không khí rộn ràng, người mua kẻ bán, chính là cái "vị" Tết mà ai cũng muốn thưởng thức.