1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ

(Dân trí) - Để có những mẻ bánh ú tro, bánh ít xu xê, chè kê thơm ngon, bà Hai Cưng (chợ Phường 11, Tân Bình) phải nhập nguyên liệu từ Huế, nhiều chủ hàng khác còn phải tuyển thêm người phụ giúp.

Bánh ú tro đi “tàu bay” vào Sài Gòn phục vụ khách dịp Tết Đoan Ngọ

Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, khu chợ Phường 11 (quận Tân Bình, TPHCM) lại nhộn nhịp kẻ bán, người mua các loại bánh ú, bánh ít, chè kê về cúng trên bàn thờ gia tiên.

Đây là những món ăn đặc trưng của người miền Nam, miền Trung, tương tự món cơm rượu nếp của người miền Bắc thắp hương dịp Tết Đoan Ngọ. 

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 1

 Bánh ú tro, bánh ít xu xê, chè kê là những món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết Đoan Ngọ ở miền Nam. 

Tại khu chợ này, cửa hàng của bà Hai Cưng đã tồn tại hơn 22 năm với các món bánh có hương vị đặc trưng. Bà Hai Cưng là người gốc Huế. Trong chế biến, bà Hai Cưng đã khéo léo mang những hương vị bánh đậm chất Huế vào Sài Gòn để mỗi dịp lễ, tết ăn cho đỡ nhớ quê. 

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 2

Bà Hai Cưng phải vận chuyển nguyên liệu bằng đường hàng không vào. 

“Tôi bán tại chợ này đã hơn 22 năm, các mặt hàng của tôi đều được gửi từ Huế, thời gian trước có dịch Covid-19, tôi không gửi máy bay được, nên phải gửi xe tải. Bình thường, tôi chọn gửi bằng máy bay cho hàng hóa được bảo quản. Tuy nhiên, giá bán vẫn không đắt hơn và ổn định nhiều năm nay”, bà Hai Cưng chia sẻ.

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 3

Bánh ít, bánh ú được bà Hai Cưng làm khá đẹp và thơm. 

Theo bà Hai, tục cúng Tết Đoan Ngọ phải đủ các món như: Bánh ít xu xê, bánh ú tro, xôi, chè kê… Tùy theo vùng miền, sẽ kèm theo bánh tráng để ăn kèm với chè kê.

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 4

Một ít cơm rượu nếp và bánh để người dân ăn kèm, tăng hương vị.

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 5

Xôi, chè kê là hai món không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. 

Những ngày cận Tết Đoan Ngọ năm nay, dọc khu chợ Phường 11, nhiều gian hàng bán đủ các loại bánh, nguyên vật liệu làm bánh. Nhiều chủ hàng nhập hàng còn trực tiếp từ quê nhà, chất lượng không lẫn vào đâu được.

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 6

Theo các tiểu thương tại đây cho biết, cứ mỗi năm vào ngày này không khí chợ lại tấp nập hơn. Chợ đông đúc nhất là rạng sáng và sáng mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Các hàng phải nổi lửa từ 3,4 giờ sáng để nấu phục vụ khách.

Bình thường, mỗi cửa hàng chỉ có 1 người để phụ trách công việc làm bánh, nấu chè nhưng dịp này phải tuyển thêm 2, 3 người phụ giúp. Người đảm nhận khâu ngâm nguyên liệu, người phụ trách gói bánh, luộc bánh hoặc nấu chè.

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 7

Bánh tráng ăn kèm với các loại chè. 

Thậm chí một số cửa hàng phải dọn hẳn ra ngoài vừa nấu chè, vừa bán cho kịp. Mùi khói, mùi ngọt của chè, tiếng rao, lời chào khiến người đi chợ có cảm giác an nhiên lạ thường.

Theo chia sẻ của bà Hai Cưng, bình thường mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Những dịp Tết Đoan Ngọ gia đình bà có thu nhập khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ngày.

Cửa hàng nào làm nhiều có thể thu nhập dao động từ 700.000 đồng - 1 triệu đồng/ngày.

Chủ hàng tuyển thêm người, thu tiền triệu từ dịp Tết Đoan Ngọ - 8

Bánh tráng được nướng trên than để tăng vị thơm và giòn. 

Cùng trao đổi về vấn đề trên, bà Hai Cưng và các tiểu thương cho biết nghề làm bánh này chủ yếu để giữ gìn truyền thống, lợi nhuận khá thấp. Giá bán ngày Tết Đoan Ngọ cũng vẫn như ngày thường.

“Giá bán mỗi chiếc bánh và ly chè kê bán ra không lời bao nhiêu nhưng những ngày này các thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau cùng làm bánh, nấu xôi nên rất vui, không khí Tết xưa lại ùa về”, Bà Thanh Hương (58 tuổi, tiểu thương bán bánh ú) chia sẻ. 

Xuân Hinh