1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chốt hướng làm giàu sau lần vô tình thả loại vật nuôi "siêu đẻ"

CTV Dương Nguyên

(Dân trí) - Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, sau 7 năm, ông Sơn đã thành công thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi ốc bươu đen.

Năm 2017, trong một lần vô tình thả ốc bươu đen (còn gọi là ốc nhồi) vào ao nước, ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1976, trú xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhận ra triển vọng làm giàu từ loại nông sản này.

Ông Sơn nhận định, ốc nhồi là loại ốc dễ sinh trưởng, "siêu đẻ", cho hiệu quả, năng suất kinh tế cao. Từ đó, ông Sơn quyết tâm tìm hiểu và đầu tư phát triển mô hình nuôi ốc.

Chốt hướng làm giàu sau lần vô tình thả loại vật nuôi siêu đẻ - 1

Ông Nguyễn Văn Sơn chăm sóc ốc bươu đen ở ao nhà (Ảnh: Đặng Hoài).

Sau đó, ông Sơn quyết định cải tạo đất trồng lúa của gia đình thành ao nuôi ốc và tự phát triển ao nuôi bèo, vườn trồng đu đu, lá sắn... để chủ động nguồn thức ăn cho ốc, giảm tối đa chi phí.

Khởi nghiệp với 5kg ốc thịt thả "chơi" ban đầu, đến nay, ông đã mở rộng diện tích ao nuôi lên đến hơn 2.000m2, mang về bình quân hơn 2 tấn ốc thương phẩm/năm.

Ốc thương phẩm loại 1 (30-35 con/kg) được ông Sơn xuất bán có giá dao động khoảng 100.000/kg. Trừ các chi phí, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

"Vào tháng trước Tết, ốc bươu dễ chết do nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm,  nên có hàng thì giá thành sẽ cao hơn. Vì vậy, tôi tập trung nuôi ốc bố mẹ để nhân giống kịp cho vụ ốc sau Tết. Hiện, ốc bươu đen vẫn rất được người dân ưa chuộng, không lo về đầu ra sản phẩm. Lỡ đến thời điểm xuất bán mà chưa được giá thì hoàn toàn có thể giữ ốc lại nuôi tiếp đến khi thị trường ổn định", ông Sơn chia sẻ.

Chốt hướng làm giàu sau lần vô tình thả loại vật nuôi siêu đẻ - 2

Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp được ông Sơn cải tạo làm bể, ao để nuôi ốc (Ảnh: Đặng Hoài).

Nhờ áp dụng hình thức nuôi gối vụ cộng với việc chăm sóc ốc đều đặn nên từ thời điểm thả giống đến lúc xuất bán chỉ độ 3 tháng, mỗi năm ông xuất bán 3-4 vụ ốc thịt.

Ngoài ốc thương phẩm, ông còn xuất bán trứng ốc và ốc giống. Để trứng phát triển tốt, ông Sơn thường lo giữ nhiệt độ thích hợp cho thùng trứng. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn ốc phát triển, ông đưa vào từng bể chứa khác nhau để dễ dàng phân loại.

"Tôi vốn là con nhà nông, từ nhỏ đã tiếp xúc với nhiều loại ốc. Ốc bươu đen rất dễ ăn, dễ nuôi nên tôi tận dụng được thức ăn từ nông nghiệp. Số vốn bỏ ra không nhiều nhưng người nuôi phải giữ cho môi trường nước sạch sẽ và thay nước thường xuyên. Nếu nước trong ao ô nhiễm, cả mẻ ốc đó khó có thể cứu được", ông Sơn nói.

Chốt hướng làm giàu sau lần vô tình thả loại vật nuôi siêu đẻ - 3

Ốc bươu đen được nhiều người ưa chuộng, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Sơn (Ảnh: Đặng Hoài).

Nhờ chịu khó, tỉ mỉ trong từng bước chăm nuôi, ốc thịt của gia đình ông Sơn có uy tín, được ưa chuộng. Nhiều người trong và ngoài tỉnh hay tin còn tìm tới trang trại học hỏi mô hình, kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh, đánh giá mô hình nuôi ốc thương phẩm kết hợp ốc giống của gia đình ông Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

"Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ hộ gia đình việc mở rộng mô hình và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình nuôi ốc ở các hộ gia đình khác để giúp bà con phát triển kinh tế, có nguồn thu ổn định", ông Hoàng nói.

 Đặng Hoài