Chọn "đói mà thanh cao", nhân sự bị hiệu trưởng chấm... âm 2 điểm
(Dân trí) - Giữa cách "giàu nhưng bất lương" hay "đói mà thanh cao", những nhân sự chọn phương án "đói cho sạch" bị tiến sĩ Giản Tư Trung cho ngay... âm 2 điểm.
Giàu bất lương hay đói cho sạch?
Đó là câu chuyện được tiến sĩ, nhà giáo dục Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED - chia sẻ tại tọa đàm ra mắt sách "Quản trị bằng văn hóa - Cách thức Kiến tạo và Tái tạo văn hóa tổ chức" diễn ra tại TPHCM ngày 10/12, thu hút hàng nghìn người tham dự.
"Làm thế nào để kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn và bền hơn", theo tác giả cuốn sách là câu hỏi bị xem là trần tục nhưng thật ra đó chính là tư tưởng kinh doanh mà mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp đều muốn tìm câu trả lời.
Ông Giản Tư Trung kể, trong một buổi học, ông gợi ý hai cách kiếm tiền để học viên cùng thảo luận và lựa chọn. Cách một là kiếm được 10 đồng nhưng bị ghét hay có thể hiểu là "giàu nhưng bất lương". Cách hai là kiếm được nửa đồng nhưng được quý mến, kiểu "đói mà thanh cao".
Nhiều người chọn cách một, một số người chọn cách hai và cũng có người không muốn chọn cách nào ở trên.
"Tôi chấm cho người chọn cách một âm 1 điểm, còn người chọn "thanh cao mà đói" âm 2 điểm. Vì ác thì chỉ trừ 1 thôi, còn nói xạo đáng bị trừ 2", ông Giản Tư Trung thẳng thắn.
Đồng thời, người này đưa ra gợi ý cách thứ ba "giàu mà sang", kiếm 100 đồng và được quý trọng.
Nếu lựa chọn, ai cũng chọn cách ba nhưng thực tế, theo ông Trung nhiều người "mơ về cách ba nhưng làm theo cách... một".
Lý giải việc muốn cách này nhưng lại làm cách khác, ông Giản Tư Trung cho rằng xuất phát từ 5 nguyên nhân gồm thiếu tố chất, thiếu niềm tin, thiếu phương pháp, thiếu sự bền chí và cả thiếu may mắn.
Trong đó, thiếu niềm tin là một cái thiếu nặng nề. Mọi người nói với nhau "thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt", người ta không tin rằng có thể kiếm được nhiều tiền lại được quý trọng.
Ông Trung cũng đề cập, nhiều doanh nghiệp, nhiều người làm chủ hay nói tôi tạo ra việc làm, tôi làm từ thiện, tôi làm chương trình này chương trình nọ... là đang phụng sự xã hội, đang làm điều tử tế.
Nếu chỉ như vậy được xem là phụng sự xã hội, ông Trung cho rằng chẳng khác nào "một tay ăn cướp, một tay cho tiền".
"Việc phụng sự xã hội này chỉ mang tính nhỏ lẻ, còn doanh nhân, doanh nghiệp phụng sự xã hội phải đến từ chính sản phẩm kinh doanh của họ cung cấp cho xã hội.
Tất cả chúng ta đều bán một cái gì đó để kiếm tiền. Phụng sự xã hội phải ở chỗ sản phẩm, tô phở bạn bán ra có đảm bảo chất lượng, ngon, bổ, giá cả hợp lý, an toàn, sạch sẽ, mang lại giá trị cho người khác", Viện trưởng Viện Giáo dục IRED bày tỏ.
Theo ông Trung, làm ăn hay làm bất cứ làm công việc, lĩnh vực nào từ làm thầy, làm nhân viên, làm sếp và cả làm cha làm mẹ... chính là biểu hiện, thực hiện hóa của việc làm người. Không có chuyện "thằng đó làm ăn bậy bạ chứ là người đàng hoàng".
Khuyến khích nhân sự... nuôi dưỡng sự ích kỷ
Cũng từ khát khao kiếm tiền của thế hệ trẻ, ông Giản Tư Trung đặt ra vấn đề nhiều người trẻ hiện nay hoang mang là "nên sống và làm việc vì mình hay vì người?".
Ông Trung đưa ví dụ về trường hợp một nhân viên tại một công ty tử tế muốn kiếm nhiều tiền, muốn có thu nhập cao thì cách duy nhất là dấn thân, mang lại những giá trị, lợi ích cho doanh nghiệp. Khi nhân viên này đang dấn thân là họ đang vì bản thân nhưng kết quả mang đến cũng là vì người, vì công ty.
Ông Trung cho rằng, mỗi người chúng ta nên "vì mình" nhưng cần chọn cách "vì mình" nào không ngoan nhất. Và cách khôn ngoan nhất vì mình trong cuộc sống này là chính là vì người.
Chuyên gia này nêu quan điểm, không những không nên tiêu diệt sự ích kỷ trong con người, trong mỗi nhân sự mà còn nên nuôi dưỡng nó. Đó phải là sự nuôi dưỡng ích kỷ một cách khôn ngoan, nuôi dưỡng ích kỷ nhân bản chứ không phải là ích kỷ ngu ngốc hay độc ác.
"Khi nhân sự hay bất cứ ai ích kỷ với những động cơ nhân bản ở bên trong và với mục đích cao đẹp ở bên ngoài thì không chỉ tốt cho bản thân họ mà còn tốt cho mọi người, cộng đồng", TS Giản Tư Trung nhấn mạnh.