1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cho nghỉ việc sai, bồi thường 300 triệu

Tòa sơ thẩm đã buộc công ty phải bồi thường cho nhân viên hơn 300 triệu đồng vì cho thôi việc không nêu lý do, dù mức lương chỉ 4,4 triệu đồng/tháng.

Tháng 8-2012, Công ty S. (trụ sở tại quận 1, TP.HCM) và ông Nguyễn Hữu Nghĩa ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn . Công việc của ông Nghĩa tại công ty là xử lý hình ảnh với mức lương 4,4 triệu đồng/tháng.

Buộc nghỉ việc không có lý do

Theo ông Nghĩa, ngày 1-9-2012, Công ty S. thông báo cho ông Nghĩa nghỉ việc mà không có lý do , đồng thời yêu cầu ông Nghĩa viết đơn xin nghỉ việc. Ông Nghĩa không đồng ý và tiếp tục làm việc đến ngày 1-10-2012 thì công ty không cho ông vào làm việc nữa. Cùng ngày này, công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chốt sổ bảo hiểm và chuyển 16,5 triệu đồng vào tài khoản của ông Nghĩa.

Ông Nghĩa khởi kiện yêu cầu công ty phải bồi thường các khoản tiền theo quy định pháp luật tính đến ngày xét xử sơ thẩm. Tổng số tiền ông Nghĩa yêu cầu công ty bồi thường là hơn 314 triệu đồng, gồm các khoản như tiền bồi thường hai tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Bồi thường tiền lương những ngày không được làm việc đến ngày tòa xét xử sơ thẩm.

Ngoài ra, ông Nghĩa còn yêu cầu công ty phải bồi thường tiền phép năm, tiền lương thưởng tháng 13 và các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định pháp luật.

Tòa: Công ty làm sai luật

Sau khi thụ lý kéo dài hơn năm năm, tháng 11-2017, TAND quận 1 đã đưa vụ án ra xử sơ thẩm.

Phía công ty vắng mặt. Nhưng trong bản tự khai trước đó, công ty cho rằng ngày 31-8-2012 đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho ông Nghĩa, trong đó có ghi thời hạn báo trước 45 ngày, tính từ ngày 1-9 đến ngày 15-10-2012.

Ngày 2-9-2012, ông Nghĩa gửi email đề nghị công ty gửi thông báo chính thức về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông. Hai ngày sau đó, công ty ban hành thông báo chính thức và gửi email về ngày nghỉ phép cho ông Nghĩa. Phía công ty cũng cho rằng họ đã không nhận được phản hồi nào từ ông Nghĩa về việc không đồng ý quyết định của công ty.

Ngoài ra, do ông Nghĩa có việc gia đình nên hai bên còn có thỏa thuận miệng là thời gian làm việc cuối cùng là ngày 28-9-2012. Cùng ngày, công ty đã chuyển vào tài khoản ông Nghĩa số tiền hơn 21 triệu đồng, tương đương 3,5 tháng lương, để bồi thường cho ông Nghĩa.

Ngày 12-9-2012, công ty hỗ trợ xin việc làm tại công ty khác cho ông Nghĩa và có nhận được email cám ơn từ ông Nghĩa.

HĐXX nhận định lời khai trên của công ty không đủ cơ sở để cho rằng ý chí của ông Nghĩa là đồng thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty ra thông báo cho nghỉ việc không nêu lý do, không thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái luật.

Từ đó, tòa tuyên buộc Công ty S. phải nhận ông Nghĩa trở lại làm việc và bồi thường hơn 300 triệu đồng.

Hai bên đương sự không kháng cáo. Nhưng sau đó VKSND quận 1 có đơn kháng nghị bản án này theo thủ tục phúc thẩm.

Theo VKS, cấp sơ thẩm tuyên Công ty S. đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật nhưng lại bác yêu cầu của ông Nghĩa về việc bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước (số tiền hơn 2 triệu đồng) là không đúng. Vì theo quy định, công ty phải báo trước 45 ngày nhưng chỉ mới được 30 ngày thì công ty đã ra quyết định cho thôi việc.

Cũng theo VKS, ông Nghĩa chỉ làm việc chưa đầy hai tháng nhưng tòa sơ thẩm lại tính đến ngày xét xử sơ thẩm, tức hơn năm năm để tính ngày phép và lương tháng 13 là chưa chính xác, cần phải tính lại. Ngoài ra, do tòa tuyên buộc công ty phải nhận ông Nghĩa trở lại làm việc nên công ty không phải bồi thường hai tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.

Xử phúc thẩm, công ty vẫn vắng mặt

Mới đây TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xử phúc thẩm và phía công ty tiếp tục vắng mặt.

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của ông Nghĩa đề nghị rút yêu cầu công ty bồi thường trong những ngày vi phạm thời hạn báo trước. Ngoài ra, phía nguyên đơn đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm, đề nghị tòa tuyên y án.

Cuối cùng, do cần bổ sung một số tài liệu liên quan đến Công ty S. nên HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để phía công ty bổ sung.

Theo Thanh Vân/PLO.VN