Chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ 5.130 tỉ đồng
(Dân trí) - “Năm 2016, chi phí khám chữa bệnh BHYT dự kiến đạt 69.410 tỷ đồng, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2016 là 5.130 tỷ đồng. Toàn quốc dự kiến có 45 tỉnh, thành phố có số chi vượt quỹ khám chữa bệnh được giao”.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH VN trao đổi với báo giới về kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2016. Theo đó, toàn ngành đã thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT cho 146,7 triệu lượt người (tăng 12,9% so với năm 2015).
“Nguyên nhân của tình trạng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2016 là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, mức giá dịch vụ y tế tăng cao” - ông Phạm Lương Sơn nói.
Theo ông Phạm Lương Sơn, đến hết 31/12/2016, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 76 triệu người, đạt 101,5% kế hoạch giao, tăng 5,8 triệu người so với năm 2015, trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 12,9 triệu người; tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,1 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện là 203 nghìn người và tham gia BHYT là 75,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặc biệt, tiền công khám bệnh, ngày giường bệnh, các phẫu thuật, thủ thuật; quy định thông tuyến huyện khám chữa bệnh làm tăng chi phí khám chữa bệnh do tăng tần suất khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện.
Ngoài ra, BHXH VN cũng xác định một nguyên nhân nữa khiến bội chi ở 45 tỉnh, thành là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ cả người tham gia BHYT và cơ sở khám chữa bệnh.
Trước tình trạng gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất thường những tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, BHXH VN đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường.
“Với chỉ đạo quyết liệt của BHXH Việt Nam và sự vào cuộc tích cực của BHXH các tỉnh, thành phố cùng các cơ quan chức năng, trong 6 tháng cuối năm 2016, các hiện tượng bất thường làm gia tăng quỹ khám chữa bệnh BHYT dần được khắc phục” - ông Phạm Lương Sơn khẳng định.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Việc đăng ký học nghề của người thất nghiệp ra sao?
Bạn Nguyễn Phạm Độ (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi: Hiện nay việc đăng ký học nghề và chi phí học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào? Trường hợp người lao động muốn học một nghề có chi phí cao hơn quy định thì có được hỗ trợ thêm không? Có quy định cụ thể các ngành nghề đào tạo cho nội dung học nghề trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp?
Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.
Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.
- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật về dạy nghề (sau đây được viết tắt là cơ sở dạy nghề). Phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở dạy nghề.
Nhu vậy, nếu ông/bà đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, người lao động sẽ được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở đào tạo. Nếu người lao động tham gia khóa học nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ, người lao động sẽ phải tự chi trả phần chi phí vượt quá đó. Hiện nay, các quy định về hỗ trợ học nghề cho người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp không quy định cụ thể nghề được hỗ trợ.
M.L
Không thông báo tình trạng thất nghiệp, người nhận trợ cấp sẽ bị phạt
Bạn Võ Anh (Lâm Đồng) hỏi: Em trai tôi mới nhận trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội nhưng vô tình lại được người quen tìm giúp được việc làm mới. Do bận rộn quá, sau khi có việc làm 1 tháng, em tôi mới tới Trung tâm dịch vụ việc làm - nơi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp - thì được thông báo sẽ phải chịu nộp phạt. Vậy xin hỏi quy định xử lý như vậy có đúng hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Trường hợp bất khả kháng.
Theo Khoản 10 Điều 30 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm khi có việc làm mới. Theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 27 Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi tìm được việc làm mới sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này.
Như vậy, nếu người lao động không đến thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nêu trên.
V.K