1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chị em khủng hoảng hậu Covid-19: Thu nhập hơn nửa tỷ cũng... buông

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước quyết định nghỉ việc của Thảo, nhiều người xung quanh la "khùng vừa thôi". Có người hiểu nội tình, động viên chị "chỉ mình mới biết bản thân cần gì".

Chị Lê Ngọc Thảo, 39 tuổi, phụ trách nhân sự cho một công ty phần mềm ở Quận 3, TPHCM mất hai tháng cân nhắc trước khi chính thức nghỉ việc, bắt đầu từ tháng 11 này.

Một quyết định không hề dễ dàng ở độ tuổi này, khi đang có vị trí công việc và mức lương đáng mơ ước, gần 40 triệu đồng/tháng. Kể các khoản thưởng, chế độ khác thì thu nhập hàng năm của chị tầm 600 triệu đồng. 

Chị em khủng hoảng hậu Covid-19: Thu nhập hơn nửa tỷ cũng... buông - 1

Chị Lê Ngọc Thảo quyết định nghỉ việc lương cao vì không muốn tiếp tục vắt kiệt sức ở công sở (Ảnh minh họa).

Khi biết ý định của chị, nhiều người can ngăn, lý lẽ nào là phụ nữ phải độc lập, tuổi này rồi muốn thay đổi không dễ, nào là họ đưa ra hàng loạt trải nghiệm "hối hận vì bỏ việc" của chính mình hoặc của người khác. 

Có người gợi ý các phương án như xin nghỉ ngơi một thời gian, trao đổi với sếp để giảm áp lực, đổi vị trí nhẹ nhàng hơn. Nhưng cũng có người hiểu những áp lực của chị, động viên "chỉ mình mới biết bản thân cần gì". 

Chị Lê Ngọc Thảo chia sẻ, từ lâu đã mệt mỏi với vòng xoáy sáng đi chiều về, vắt kiệt sức ở công sở. Rất nhiều dự định, mong muốn chị không thể nào thực hiện được. Lúc đó, chị mặc nhiên xem đây là một phần cuộc sống... 

Nhưng trải qua đợt dịch bệnh cao điểm, gần 5 tháng làm việc tại nhà vừa qua, chị càng thấy rõ sự căng thẳng, khủng hoảng. Vợ chồng chị cắm mặt vào máy làm việc cả ngày, đành phải mặc hai con, đứa ôm tivi, đứa cầm điện thoại. Đến khi các cháu học online, dù mẹ ở nhà nhưng vẫn không hỗ trợ được. 

Một bức tranh phơi bày trước mắt: Con cái lâu nay thiếu bố mẹ, dù người lớn ngay bên cạnh! 

Chị rơi tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, chán nản. Lần đầu tiên, chị hỏi một cách nghiêm túc về công việc chị vốn dồn sức lâu nay, khiến bản thân phải đánh đổi, không có thời gian cho chính mình, chồng con và vô số dự định không thực hiện được. 

Kinh tế gia đình chị ở mức khá, bao nhiều năm đi làm vợ chồng cũng tích cóp mua được một lô đất nhỏ, một căn hộ cho thuê. Thu nhập của chồng có thể trang trải cuộc sống gia đình. 

Chị em khủng hoảng hậu Covid-19: Thu nhập hơn nửa tỷ cũng... buông - 2

Một nữ trung niên đăng trạng thái tham khảo ý kiến về mong muốn nghỉ việc, dành thời gian cho con cái (Ảnh chụp lại màn hình).

Hơn nữa, chị Thảo cũng xác định, nghỉ việc vì mong muốn được chủ động về thời gian, tổ chức lại cuộc sống, ưu tiên cho con cái, làm những việc mình yêu thích chứ không ngừng kiếm tiền. Chị vẫn có thể duy trì nguồn thu nhập bằng buôn bán nhẹ nhàng, đầu tư chứ không phụ thuộc vào chồng. 

Nếu tiếp tục đi làm, chị lại quay cuồng trong vòng xoáy như trước, mất đi giai đoạn quan trọng nhất của con. Cuối tháng 10, chị Thảo nộp đơn nghỉ việc, mong được giải quyết ngay. 

Tìm lại sự cân bằng

Trên thị trường lao động thời gian qua cũng ghi nhận, không phải những người thất nghiệp, mất việc làm vì dịch mà nhiều người đã chủ động nghỉ việc hậu đại dịch. Điều này xảy ra ở cả những người có vị trí việc làm tốt, thu nhập cao. 

"Chúng tôi vừa phải chia tay nữ kế toán trưởng thâm niên hơn 15 năm, thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng. Chị nghỉ việc về bán măng khô, mắm tôm...", anh Đậu Văn Minh, quản lý một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TPHCM vừa cười vừa mếu. 

Chị em khủng hoảng hậu Covid-19: Thu nhập hơn nửa tỷ cũng... buông - 3

Nhiều người nhìn nhận lại giá trị, ưu tiên trong cuộc sống hậu dịch bệnh Covid-19 (Ảnh minh họa).

Theo anh Minh, làn sóng "chảy máu chất xám" hậu đại dịch đang âm thầm diễn ra và đó là điều không quá khó hiểu. 

Anh bày tỏ: "Thu nhập cao luôn đi cùng sự cống hiến, năng lực. Những người đã vắt kiệt sức tuổi thanh xuân vốn không có thời gian cho bản thân, giờ tài chính vững vàng, họ càng dễ nghỉ việc để thực hiện những dự định".

Không thể phủ nhận những tác động từ dịch bệnh Covid-19 gây ra cho những bất an, khủng hoảng tâm lý với nhiều người. Việc cân bằng hậu đại dịch là điều vô cùng cần thiết với tất cả mọi người, từ trẻ nhỏ đến người già. 

Vậy nhưng, một bác sĩ tâm lý tại TPHCM cho biết, không phải mọi thứ đang diễn ra với mỗi chúng ta ở hiện tại đều do Covid-19. Dịch bệnh là chất xúc tác để mọi người nhận ra những bất ổn lâu nay trong công việc, cuộc sống. Nó thôi thúc nhiều người đi tìm sự cân bằng, ưu tiên cho những giá trị sống, những điều quan trọng với mình... 

Tìm sự an toàn, cân bằng cho bản thân điều cần thiết nhưng anh Đậu Văn Minh nhấn mạnh, người lao động cần cân nhắc kỹ, hiểu rõ bản thân mình trước quyết định nghỉ việc.