Chị em kiệt sức: Hơn chục năm, chưa ngày nào được ngủ quá 6 tiếng
(Dân trí) - Đầu đợt dịch, chị Lê Thị Vân có 4 ngày làm việc "3 tại chỗ". Từ khi lấy chồng, sinh con, đây là lần đầu tiên chị được làm việc, ăn ngủ mà không phải xoay với trăm việc không tên.
4 ngày "3 tại chỗ"... sướng rơn
"Chỉ 4 ngày thôi, tôi như được sống lại một cuộc đời mới, da dẻ đẹp hơn. Giờ vẫn ước có ai trông con cho vài ngày", chị Hoàng Thị Vân, nhà ở thành phố Thủ Đức, TPHCM chỉ vào hai đứa con đang đá banh, đạp xe trong khuôn viên chung cư kể lại.
Lúc hai con chơi, chị trên nhà nấu ăn, dọn dẹp, giờ xuống gọi con về mới tranh thủ đi dạo, nghỉ ngơi vài phút.
Đợt đó, chồng làm tại nhà, để giữ việc, chị đăng ký tham gia "3 tại chỗ". Chỉ vài hôm, cha con đã réo về ngay. Chị Vân phải nghỉ việc không lương về chăm sóc gia đình, kèm con học online.
Chị Hoàng Thị Vân là kế toán tại doanh nghiệp nước ngoài ở Quận 7. Chồng làm việc ở Đồng Nai, họ chọn sinh sống ở giữa 2 địa điểm này để thuận tiện cho cả hai. Chị đi làm cách nhà tầm 15 km.
Con đầu lớp 7, đứa sau lớp 3. Lịch hàng ngày bao lâu nay, chị kể: sáng dậy từ 4h30 chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình, đồ đạc cho con đi học. 6h30, chị chở hai con đến trường, hai cơ sở cách nhau gần 3 km rồi mới đi làm.
Giờ làm việc của chị từ 8h30 đến 17h. Một giờ nghỉ trưa là thời gian quý báu nhất trong ngày với chị Vân.
Hết giờ, chị về đón hai con, ghé chợ mua thức ăn, có khi loay hoay gần 19h mới về đến nhà
Lúc này, chồng đưa hai con đi chạy bộ, thể thao. Chị nấu ăn, dọn dẹp. Đến khi xong được bữa tối cũng đã hơn 20h, chị lại quay vào lau nhà, rửa bát, tắm rửa. Chưa kể còn phải kèm hai con học, trong tuần còn có mấy buổi các cháu đi học ở trung tâm ngoại ngữ buổi tối, lại thêm cảnh vợ chồng thay nhau đưa đón.
Chỉ riêng việc đi lại, đưa đón con trên đường phố, mỗi ngày đã mất 3 - 4 tiếng đồng hồ. Chỉ khi nào chị kẹt việc, mới đến lượt chồng thu xếp để giúp vợ đón con.
Đêm nào sớm nhất cũng gần 23h chị mới có thể lên giường đi ngủ, lấy lại chút sức lực để quay lại quy trình một ngày mới. Cả chục năm nay, gần như chưa ngày nào chị ngủ được 6 tiếng đồng hồ.
Trong tuần, công ty chỉ nghỉ mỗi chủ nhật. Ngày nghỉ duy nhất của chị là tất bật mua sắm thực phẩm, đồ đạc, xử lý những việc tồn đọng, phát sinh trong gia đình như đưa con đi khám răng, khám bệnh, mua sách vở cho con, đi thăm người quen, tổng vệ sinh nhà cửa... Cuối tuần, anh em họ hàng hay đến chơi, người mẹ lại càng dễ ngập lụt với nấu ăn, bếp núc.
Người mẹ trải lòng, với lịch dày đặc như vậy, không còn một kẽ hở, chị trở nên khó tính, khắt khe với con cái, cả ngày quát tháo. Việc nào, giờ nào phải đúng y như vậy, không được lệch dù chỉ vài phút.
"Ông bà nội ngoại ở xa không thể hỗ trợ được, tài chính gia đình lo được hai đứa con đã rất chật vật nên tôi không thể thuê người. Việc gì cũng đến tay mẹ. Nhiều lúc muốn đổ gục nhưng tôi không dám ốm, không dám bệnh", người mẹ 37 tuổi gầy mảnh, hai mắt thâm quầng trải lòng.
Gánh việc nhà, gánh cả kinh tế
Vất vả không kém khi gần như toàn bộ việc nhà, lại kham luôn phần kinh tế chính trong gia đình, chị Lê Thu Thanh, biên tập viên một nhà xuất bản luôn trong tình trạng bơ phờ, mệt mỏi.
Mỗi sáng chị toàn đi làm trễ khi một mình xoay ăn uống cho hai con, một lên 8, một lên 3, lỉnh kỉnh đưa hai đứa đến trường rồi đến cơ quan hơn chục cây số. Chiều về, chị lại tất tả đón con, chợ búa, bếp núc, dọn dẹp, kèm con học...
Chồng sáng đi tối về. Chị giao được việc gì như rửa chén bát, lau nhà thì lại cù nhây ngồi xem tivi, gào mãi không xong; đưa con đi chơi được vài phút đã thấy trở về hoặc thả con mặc kệ; giao kèm con học thì lại la mắng làm bọn trẻ chết khiếp. Mỗi lần vậy, vợ chồng lại cãi nhau, càng căng thẳng, chị rốn làm cho xong.
Đêm khuya, cũng tầm 23h, khi chồng con ngủ, chị lại rón rén bật máy tính để báo cáo, sửa bản thảo, gửi đối tác.
Thu nhập của chồng để trả góp tiền căn hộ (7 triệu đồng/tháng). Khả năng của chồng chỉ từng đó, không thể đòi hỏi thêm. Tất cả mọi chi tiêu trong nhà, con cái ăn học, hiếu hỉ nội ngoại... một mình chị lo. Đồng lương biên tập viên eo hẹp, chị còn phải bán hàng online để có thể có thêm đồng ra đồng vào.
Sức cạn mà vẫn luôn thiếu trước hụt sau, chị Thanh thường xuyên phải vay mượn người này người kia để trang trải cuộc sống. Từ lâu, người phụ nữ này đã không quan tâm đến các nhu cầu của bản thân.
Vẻ ngoài có phần lôi thôi, người ngợm lúc nào cũng rũ rượi, tinh thần mệt mỏi người mẹ hai con cười nghẹn: "Chỉ ước có một ngày được ngủ cho đã!".
Người phụ nữ ngày nay hầu hết cũng lao ra ngoài làm việc, kiếm tiền như phái nam. Trong khi việc nhà, con cái, mọi vấn đề trong gia đình Việt vẫn mặc nhiên xem đó là "thiên chức" của phụ nữ.
Cuộc sống đô thị mở ra nhiều cơ hội việc làm cho phái nữ nhưng đồng thời, họ cũng kiệt sức vì việc nước lẫn việc nhà. Không ít người rơi vào tình trạng kiệt quệ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần kéo dài từ năm này sang năm khác nhưng vẫn phải gắng gượng. Không có sự trợ giúp, nhiều người như chị Vân, mệt, đuối lắm rồi mà không dám đổ bệnh.