Chênh vênh lao động phi chính thức

Được đánh giá là lực lượng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhưng lao động phi chính thức lại là đối tượng chịu nhiều tổn thương và rủi ro

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam tính đến hết quý II/2020 là 19,5 triệu người, giảm 516.000 người so với quý trước và giảm 634.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Đây là nhóm lao động dễ bị tổn thương trong thị trường lao động khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của các cú sốc. Không chỉ thu nhập bấp bênh (bằng 2/3 tiền lương của lao động chính thức), điều kiện làm việc nghèo nàn, họ khó có thể tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

Chật vật mưu sinh

22 giờ đêm, TP đã thưa người qua lại nhưng tại góc đường Kinh Dương Vương (quận 6, TP HCM), ông Võ Văn Việt (62 tuổi) vẫn ngồi trên chiếc xe Wave cũ kỹ đợi khách vừa lót dạ bằng ổ bánh mì kẹp thịt. Khi biết tôi có ý định đón xe về quận 8, ông Việt lật đật cất ổ bánh mì đang ăn dang dở và nổ máy xe.

Chênh vênh lao động phi chính thức - 1

Lao động phi chính thức là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt khi có sự thay đổi về chính sách. Ảnh: Hoàng Triều 

 

Trên suốt đoạn đường chở tôi về nhà, ông Việt không ngần ngại kể về cuộc đời mình. Ông quê ở Tiền Giang nhưng đã sinh sống và làm việc ở TP gần 30 năm. Trước ông làm thợ hồ, còn vợ hành nghề buôn bán nhỏ.

Vợ chồng ông chỉ có một cô con gái nên cuộc sống cũng tạm ổn nhưng sau khi vợ ông bị bệnh rồi mất, một mình gồng gánh nuôi con, không thể làm xa nhà nên ông Việt đành bỏ công việc thợ hồ chạy xe ôm kiếm sống.

Hằng ngày, ông đều đặn ra khỏi nhà trọ từ 6 giờ trên chiếc xe cà tàng cho tới tối mịt mới về. Cật lực làm việc nhưng thu nhập của ông chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ tiền trọ, điện nước các thứ thì cũng chẳng còn được là bao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, những cuốc xe ngày càng thưa dần.

"Con gái đi lấy chồng xa, cuộc sống của nó cũng vất vả nên tôi ít phiền tới con mà chỉ cố gắng tự lo thân. Chạy xe ôm như tôi thì làm gì có bảo hiểm nên phải tự tích lũy phòng khi ốm đau bệnh tật" - ông Việt cười buồn nói.

Hơn 3 năm qua, công việc hằng ngày của anh Lê Văn Hới (26 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) là rửa xe, lau chùi và đánh bóng xe cho một garage ôtô tư nhân tại quận Gò Vấp, TP HCM. Anh Hới cho biết khi vào làm, chủ garage hứa nếu làm chăm chỉ sẽ được tăng lương.

Thế nhưng mấy năm qua, mức lương của anh vẫn giậm chân tại chỗ, chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng. Anh Hới kể các anh em làm trong garage này đều như anh cả, trừ thợ chính thì lương có cao hơn nhưng không ai có hợp đồng lao động, không ai được đóng bảo hiểm nên khi có sự cố hay ốm đau thì tự lo liệu, nhiều khi bị nặng thì chủ chịu cho một ít.

Chuyện của ông Việt hay anh Hới cũng là chuyện của hàng triệu lao động phi chính thức. Họ chịu mọi thiệt thòi khi vẫn làm việc hằng ngày nhưng không được định danh vị trí công việc.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động phi chính thức không có BHXH lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Tiền lương của lao động khu vực này trung bình chỉ 4,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với lao động chính thức (6,7 triệu đồng) ở tất cả vị trí việc làm.

Dễ tổn thương

Gần 21 giờ, ca trực đổ bê-tông của ông Nguyễn Thái Thụy (32 tuổi, quê Quảng Bình) mới hoàn tất. Leo xuống từ giàn giáo, toàn thân Thụy thấm đẫm mồ hôi, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi.

"Tiền công mỗi ca làm việc là 350.000 đồng, trừ tiền cơm nước, tôi còn 300.000 đồng. Công việc này vất vả nhưng có tiền trang trải cuộc sống chứ dịch Covid-19 làm cho tôi mất việc từ 3 tháng nay rồi" - ông Thụy vừa thở vừa nói.

Ông chia sẻ tuần trước công trình chỗ ông đang làm việc có một công nhân (CN) bị tai nạn lao động. Dù không quá nặng nhưng chi phí nằm viện mấy ngày cũng ngốn hơn 3 triệu đồng, trong khi người này không có bảo hiểm. Thương tình, anh em trong nhóm thợ gom góp mỗi người một ít hỗ trợ viện phí. Chứng kiến tình cảnh khó khăn của đồng nghiệp, ông thấy nản nhưng trước mắt không có sự lựa chọn nào khác.

Hơn 10 năm trước, chị Nguyễn Thị Búp (quận Tân Phú, TP HCM) là CN của một công ty may, làm việc có hợp đồng, có bảo hiểm đầy đủ. Khi chị vừa sinh con xong, chồng chị bị tai biến nằm liệt một chỗ.

Chị Búp phải xin nghỉ việc để chăm sóc chồng con. Để có chi phí trang trải cuộc sống, chị Búp xin làm giúp việc gia đình theo giờ. Mỗi tháng chị giúp việc cho từ 3 - 5 gia đình, thu nhập được khoảng 5 triệu đồng/tháng.

"Công việc này giúp tôi chủ động thời gian để tiện việc chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, về quyền lợi thì ngoài lương tôi không được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp như khi còn làm ở công ty may. Lúc làm việc cũng chỉ lủi thủi một mình, hết việc lại về nhà, không có điều kiện giải trí nên cuộc sống khá buồn chán" - chị Búp tâm sự.

Lao động phi chính thức là lực lượng dễ bị tổn thương nhất khi không có hợp đồng, BHXH, thời gian làm việc nhiều nhưng thu nhập rất thấp… Những thiệt thòi mà lao động phi chính thức phải gánh chịu không phải bây giờ mới được nhắc đến.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã từng khuyến nghị do việc làm không thường xuyên, thu nhập thấp, ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề, nên lao động phi chính thức rất dễ bị tổn thương, nhất là khi gặp biến cố. Tác động của đại dịch Covid-19 là một dẫn chứng. Dự kiến, cả nước sẽ có 20 triệu lao động bị mất việc, không có hoặc bị giảm thu nhập, chủ yếu là lao động phi chính thức.

Kỳ tới: Cần một điểm tựa

Việc làm bấp bênh

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Phó trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế chính sách và Thi đua - Khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam, lao động phi chính thức chiếm tới 60% lực lượng lao động, với đa dạng ngành nghề, đa phần không có chuyên môn, kỹ thuật, việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định. Đặc biệt khu vực lao động này thường không có hợp đồng lao động, chủ yếu thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, không tham gia đóng BHXH, không được hưởng lương cố định. "Về an sinh xã hội, lực lượng này rất thiệt thòi. Trong khi đó, thu nhập thấp hơn nhiều so với lao động chính thức, theo tính toán bình quân mỗi tháng, thu nhập chỉ bằng một nửa của lao động chính thức. Lao động phi chính thức là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt khi có sự thay đổi về chính sách" - ông Toản nói và nhấn mạnh.

 Theo Nhóm PV

Báo Người Lao động