Nộp hàng trăm triệu để đi xuất khẩu lao động... nhưng chờ mãi không thấy
(Dân trí) - Hai cặp vợ chồng đã nộp số tiền hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu. Liên lạc với người đã nhận tiền của mình thì người này đã "lặn" mất tăm.
Ngày 7/9, Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết, đã gửi thông báo đến các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và công an các địa phương có liên quan nhờ hỗ trợ truy tìm bà Hoàng Thị Hà (1973, quê Thanh Hóa; chỗ ở hiện tại là Phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - người bị tố giác chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu Cơ quan CSĐT Công an quận Liên Chiểu thu thập được, khoảng cuối năm 2018, bà Hà nói với Cao Văn Huy (sinh 1985, trú phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) về thông tin làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Nếu Huy môi giới được người, bà Hà trả cho Huy tiền hoa hồng là 1.000 USD/lao động.
Khoảng thời gian từ tháng 6-11/2019, thông qua sự giới thiệu của Huy, đôi vợ chồng anh H. (sinh 1993) và vợ chồng anh V (sinh 1995) cùng trú huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã gặp bà Hà để học tiếng Nhật, làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Trong khoảng thời gian trên, vợ chồng anh H. đã đưa cho bà Hà tổng số tiền là 150 triệu đồng, vợ chồng anh V. đã đưa cho cho Hà tổng số tiền là 150 triệu đồng để làm thủ tục lưu trú tại Nhật Bản.
Sau khi nhận tiền, bà Hà có nói là sẽ ra Hà Nội lại để làm thủ tục công chứng và hẹn tháng 3/2020 tổ chức đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Sau khi rời khỏi Đà Nẵng, đến nay, vợ chồng anh H. và vợ chồng anh V. không liên lạc được với bà Hà nên tố cáo sự việc với cơ quan Công an.
Theo công an quận Liên Chiểu, qua lời khai của những người tố giác, bà Hà tự giới thiệu là Giám đốc Trung tâm Tư vấn du học Nhật Bản tại Đà Nẵng (đóng tại 377, Kinh Dương Vương, quận Liên Chiểu).
Tuy nhiên, qua điều tra, công an xác định bà Hà là Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH DV&TM An Phát 389 tại Đà Nẵng (đóng tại 377, Kinh Dương Vương, quận Liên Chiểu).
Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng) khẳng định, Trung tâm Tư vấn du học Nhật Bản tại Đà Nẵng hay chi nhánh Công ty TNHH DV&TM An Phát 389 tại Đà Nẵng đều không có tên trong danh sách các công ty được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu lao động.
Theo ông Tiến, để hoạt động xuất khẩu lao động, các công ty đặt trụ sở tại Đà Nẵng phải làm thủ tục trình Sở LĐ-TB&XH, Sở thẩm định hồ sơ và trình UBND TP cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu lao động.
Đối với các công ty ở địa phương khác muốn vào Đà Nẵng để tuyên truyền và tư vấn về xuất khẩu lao động cũng phải có hồ sơ đủ kiện hoạt động xuất khẩu lao động, Sở sẽ có văn bản gửi các Phòng LĐ-TB&XH, UBND các địa phương hỗ trợ cho các chi nhánh và công ty đó được phép tuyên truyền và tư vấn.
Ông Tiến khuyến cáo, người dân cần liên hệ Sở LĐ-TB&XH, các phòng LĐ-TB&XH cấp quận, huyện và Trung tâm dịch vụ việc làm TP để nắm thông tin về các doanh nghiệp để không bị "tiền mất tật mang".