Chạy xe máy 200km bán hàng để tìm lời giải, sao làm giàu được từ chổi chít?
(Dân trí) - Khởi nghiệp với nghề làm chổi chít khi 27 tuổi, anh Đoàn Tuấn Anh từng có những lúc rơi nước mắt trên đường, từng muốn bỏ nghề để đi làm công nhân. Vậy mà người ta có thể làm giàu với công việc này...
Đi 200km chỉ bán được 10 cây chổi
Trước đây, anh Đoàn Tuấn Anh (ở Hưng Hà, Thái Bình) chỉ quẩn quanh ở nhà làm nông nghiệp cùng bố mẹ.
Sau khi lập gia đình, chín chắn hơn, Tuấn Anh thấy không thể bằng lòng với việc làm cả ngày quần quật ngoài đồng nhưng chỉ đủ chi tiêu tối giản. Anh tính đến việc kinh doanh.
"Ban đầu tôi định mở quán ăn hoặc buôn hải sản. Song những mặt hàng ấy lại dễ bị hỏng, nguy cơ lỗ luôn rình rập. Nghĩ mãi, tôi thấy bản thân sinh ra ở vùng quê có nghề truyền thống làm chổi chít. Tôi tự đặt câu hỏi, sao không bắt đầu với công việc này?", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Bố anh đã thành thục nghề làm chổi do ông bà truyền lại. Ông sẽ là người truyền nghề cho anh.
Để có vốn mua chít nguyên liệu, anh phải vay tiền từ ngân hàng. Những ngày đầu, chàng trai 9x nhập khoảng 30kg chít về làm. Sản phẩm đã có, song nguồn tiêu thụ sản phẩm, bán cho ai, bán ở đâu… cũng khiến anh trăn trở hằng đêm.
Tuấn Anh cho biết: "Ở trong làng có những gia đình đã làm nghề hơn 10 năm, phủ toàn bộ thị trường ở Thái Bình. Vì vậy, muốn bán được chổi, tôi phải đi xa".
Hành trình đưa cây chổi chít tự sản xuất đến tay người tiêu dùng của anh vô cùng gian nan. "Muốn đưa cây chổi vào thị trường, tôi buộc phải đi tìm mối đổ buôn, tiếp thị ở tỉnh khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam…", nam thanh niên nói.
Những ngày đầu tiên, anh chằng buộc cẩn thận 40 cây chổi trên xe máy, rong ruổi khắp các nẻo đường từ Thái Bình đến Hải Phòng, sang Quảng Ninh. Anh tìm đến siêu thị, quán tạp hóa để chào hàng.
"Những ngày đầu tôi buộc phải bán rẻ hơn thị trường, để khách hàng tiếp cận cây chổi nhà tôi làm xem chất lượng ra sao. Lúc bấy giờ, mỗi cây chổi tôi chỉ lãi 500 đồng", anh Tuấn Anh kể.
Thời điểm này, số tiền lãi chỉ đủ để anh đổ xăng xe đi khoảng 200km mỗi ngày. Song anh vẫn bền bỉ di chuyển, chào mời từng bó chổi cho các chủ cửa hàng ở mỗi tỉnh. Quẩn quanh khu vực chợ Sắt (Hải Phòng) không bán hết, anh lặn lội sang Quảng Ninh để tiếp thị.
Từ 10-20 cây chổi, giờ đây mỗi chuyến anh có thể giao buôn được 200 cây chổi. Thành quả đến sau hơn nửa năm vất vả, đội nắng, đội mưa đi bán hàng. Hiện xưởng nhà anh đang tạo việc làm cho 5 người lớn tuổi, để đủ sản phẩm cung ứng cho các đầu mối.
"Mọi người cứ bông đùa gọi tôi là ông chủ. Nhưng có ông chủ nào lại phải vất vả đi xe máy hàng trăm cây số giao hàng, bêu mặt mỗi ngày để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tôi cũng chỉ là người làm công và nhờ các cô, các bác đến cùng mình làm nghề thôi", anh Tuấn Anh từ tốn nói.
Bán gấp đôi lượng hàng nhờ mạng xã hội
Như thường lệ, mỗi buổi làm, anh Tuấn Anh chụp "chơi chơi" vài bức hình trên hành trình đi bán chổi của mình rồi chia sẻ lên TikTok làm kỷ niệm. Đó là bức ảnh chào vợ con, lên xe lúc 5h sáng, đến khu vực Hải Phòng, giao buôn cho siêu thị, tạp hóa... nếu may mắn bán hết chổi thì về được nhà lúc 24h.
Anh Tuấn Anh không ngờ những bức ảnh ấy lại lan truyền mạnh mẽ, được nhiều người ủng hộ đến vậy. "Nổi tiếng" hơn giúp anh được nhiều người biết đến và đơn hàng cũng từ đây mà ra.
Hiện nay, 1 tháng anh di chuyển khoảng 20 chuyến, bởi quãng đường đi khá xa. Mỗi chuyến anh có thể bán được 200 chiếc chổi và gây dựng được nhiều mối quen. Mỗi chiếc chổi chỉ mang về lợi nhuận 1.500-2.000 đồng, bù lại bằng số lượng sản phẩm.
Sau khi hoạt động được gần 1 năm, lợi nhuận anh thu về sau khi trừ các chi phí nguyên vật liệu, nhân công chỉ bằng thu nhập của công nhân.
Trong khi đó, việc di chuyển bằng xe máy, chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
"Cán chổi khá trơn, nên tôi phải chằng buộc rất cẩn trọng. Sau đó, tôi tính toán quãng đường di chuyển như thế nào để đủ xăng. Bởi mỗi lần hạ chổi xuống đổ xăng, buộc lên mất rất nhiều thời gian", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Đến giờ anh vẫn không thể quên kỷ niệm bị thủng săm xe khi đang chở đến 300 cây chổi phía sau. Xe hàng nặng nề, anh gắng hết sức lực dắt bộ đến nhà dân gửi số chổi. Sau đó lại đi thêm mấy km tìm chỗ sửa xe.
"Trời mưa là nỗi ám ảnh với tôi. Chổi mà dính nước chỉ có vứt bỏ. Nên tôi phải che chắn cẩn thận", ông bố trẻ chia sẻ.
Những khó khăn luôn trực chờ, song chính vợ con là nguồn động lực lớn để những lúc khó khăn anh không gục ngã.
Nhiều khi làm chưa được như ý muốn, anh muốn chuyển việc làm công nhân, ăn lương hàng tháng.
Song nhìn vợ con, bố mẹ cần có cuộc sống tốt hơn, anh lại vững tay lái, tiếp tục hành trình.
Thời gian tới đây, anh tiếp tục đầu tư thêm nhiều kiểu mẫu chổi khác nhau cung ứng ra thị trường. Khi nhu cầu của khách hàng cao lên, chắc chắn anh sẽ thuê thêm nhân công để gia tăng thêm lợi nhuận.
Hiện nay anh đã có đơn hàng ổn định, nhiều mối quen. Anh Tuấn Anh nhìn lại những tháng ngày bắt đầu, có khi rơi nước mắt trên đường… đều đã được đền đáp.