1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khởi nghiệp từ nghề làm đũa thốt nốt

Chọn cho mình con đường khởi nghiệp bằng nghề làm đũa thốt nốt, sau 5 năm gầy dựng, sản phẩm đũa được làm ra từ cơ sở sản xuất của anh Trần Thanh Sang (sinh năm 1987, ngụ ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Đức, Châu Phú, An Giang) được thị trường đón nhận.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của anh Sang sản xuất gần 10.000 đôi đũa, bán đi nhiều nơi và thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Do hoàn cảnh khó khăn nên chỉ học đến hết lớp 4, anh Trần Thanh Sang đã nghỉ học để phụ giúp gia đình. Sau nhiều năm chăm chỉ với công việc việc đồng áng nhưng cuộc sống gia đình vẫn không mấy khởi sắc, vì vậy, anh Sang luôn mong muốn tìm thêm nghề để lập nghiệp, cải thiện kinh tế gia đình.

Năm 2014, anh đến nhà người bác ở Bến Tre để học nghề làm đũa dừa, sau 1 năm thạo nghề, anh Sang trở về gia đình và ấp ủ ước mơ thành lập cơ sở sản xuất đũa, tuy nhiên, nếu làm đũa từ cây dừa thì việc vận chuyển nguyên liệu từ Bến Tre về địa phương không được thuận tiện, tốn nhiều chi phí nên anh quyết định chọn nguyên liệu từ cây thốt nốt.

Khởi nghiệp từ nghề làm đũa thốt nốt - 1

Những công đoạn làm đũa đều thực hiện bằng máy

Theo đó, anh đến vùng Bảy Núi đặt mua những cây thốt nốt già không còn khả năng cho trái để làm nguyên liệu và bắt tay vào công việc sản xuất đũa. Sau bao nỗ lực, những đôi đũa thốt nốt thành phẩm có chất lượng tốt đã cho ra thị trường và được đón nhận.

Anh Sang cho biết: “Trong thời gian học làm đũa ở Bến Tre, tôi có tìm hiểu thêm và biết được cây thốt nốt cũng có thể làm thành đũa, thậm chí chất lượng còn tốt hơn cả đũa dừa, đũa tre. Đũa thốt nốt khi thành phẩm có màu đen bóng, không bị cong và ít bị mối mọt, sử dụng lâu dài nên được khách hàng ưa chuộng”.

Ban đầu khi bắt tay vào nghề, mọi công đoạn làm đũa tại cơ sở của anh Sang đều được thực hiện thủ công, tuy nhiên, sau khi sản phẩm đũa thốt nốt do anh làm ra được thị trường đón nhận, số đơn đặt hàng tăng dần, anh Sang nảy ra ý định làm thêm những chiếc máy phù hợp với các công đoạn làm đũa để thay thế cách làm thủ công, hướng đến sản xuất số lượng lớn, tăng hiệu quả kinh tế.

Dựa vào sự hiểu biết của bản thân về những chiếc máy làm đũa từng tiếp cận ở Bến Tre khi còn học nghề, anh Sang đã mày mò và chế tạo hoàn thành các chiếc máy: rọc đũa, chuốt đũa, se đũa và trộn đũa, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất đũa thốt nốt tại cơ sở.

Khởi nghiệp từ nghề làm đũa thốt nốt - 2

Chia sẻ về quá trình chế tạo những chiếc máy sản xuất đũa, anh Sang kể: “Để làm ra những chiếc máy này tốn rất nhiều thời gian, suốt quá trình chế tạo máy tôi gặp không ít khó khăn vì máy làm đũa cần có những bộ phận rất nhỏ và phải đáp ứng yêu cầu có độ chi tiết, tỉ mỉ cao.

Do đó, tôi phải tính toán kích thước, số lượng từng bộ phận của máy rồi tìm thợ hàn để miêu tả, nhờ họ làm ra những bộ phận tương ứng. Không chỉ vậy, để có được mỗi chiếc máy hoạt động tốt như hiện nay tôi phải lắp ráp, chỉnh sửa rất nhiều lần”.

Từ khi có những chiếc máy hỗ trợ, mỗi ngày cơ sở của anh Sang sản xuất từ 7.000 - 10.000 đôi đũa, cung cấp nhiều hơn các đơn đặt hàng từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh khác, mang đến thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhờ tinh thần cầu tiến, quyết tâm vươn lên, anh Sang đã gầy dựng thành công cơ sở sản xuất đũa thốt nốt để phát triển kinh tế gia đình và góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Không dừng ở đó, để những sản phẩm đũa thốt nốt của cơ sở mình tiếp cận nhiều hơn với khách hàng, anh Sang đang tiếp tục sáng tạo thêm các công đoạn tạo hoa văn để những chiếc đũa thốt nốt càng trở nên hút mắt.

Theo Mỹ Linh/Báo An Giang