1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Châu Âu ban hành quy định quyền ngắt kết nối trong Luật lao động

Buộc phải dừng bữa tối, hay thậm chí phải dừng việc vệ sinh cá nhân để trả lời điện thoại. Đây là thực tế nhiều lao động ở châu Âu đang phải đối diện khi làm việc từ xa.

Châu Âu ban hành quy định Quyền ngắt kết nối trong Luật lao động

Làm việc từ xa là giải pháp giúp doanh nghiệp châu Âu duy trì hoạt động trong đại dịch, song vấn đề này lại khiến người lao động chẳng có thời gian nghỉ ngơi và phải làm thêm giờ mà không được trả lương. Một nghị quyết đang được châu Âu thúc đẩy thông qua để giải quyết việc này đó là quyền được ngắt kết nối.

Đang ngủ cũng phải dậy, hay thậm chí phải dừng việc vệ sinh cá nhân để trả lời điện thoại, tin nhắn từ người sử dụng lao động ngoài giờ làm. Đây là thực tế mà nhiều người lao động ở các nước châu Âu đang phải đối diện khi làm việc từ xa thời đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, sự việc này có thể thay đổi khi EU ban hành Quyền được ngắt kết nối trong Luật lao động.

Ông Alex Agius Saliba - Nghị sỹ Nghị viện châu Âu cho biết: "Quyền ngắt kết nối sẽ trở thành một trong những quyền cơ bản đối với người lao động trên toàn châu Âu".

Theo quy định của quyền được ngắt kết nối, doanh nghiệp có 50 nhân viên trở lên hoạt động ở EU sẽ bị người lao động và các công đoàn độc lập giám sát việc sử dụng tin nhắn, email hay điện thoại để giao việc cho nhân viên ngoài giờ làm.

Nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể phải bồi hoàn cho người lao động tương tự như việc Pháp từng buộc một công ty của Anh trả 60.000 Euro cho một nhân viên người Pháp vì yêu cầu người này liên tục truy cập email, tin nhắn để thực hiện công việc ngoài giờ làm, trong năm 2018. Đến nay, những quy định này ghi nhận nhiều ý kiến từ chính người lao động ở châu Âu.

Ông Jack Fuhrer - người Bỉ gốc Đức nói: "Nếu đã chấp nhận làm việc cho một doanh nghiệp thì khi bạn về nhà và công ty gọi cho bạn vì một lý do nào đó, bạn vẫn phải trả lời điện thoại".

Chị Mylemans - người dân châu Âu - cho rằng: "Khi đã về nhà rồi thì các công ty có trả lương cho tôi đâu nên thời gian đấy là của riêng tôi và nếu các công ty muốn tôi trả lời điện thoại hay email ngoài giờ thì phải trả thêm tiền".

Ngoài việc áp dụng tại 27 nước thành viên, quyền được ngắt kết nối có thể được EU coi là điều kiện trong hợp tác kinh tế với các quốc gia khác và những tổ chức hoạt động về nhân quyền tại EU cũng coi đây là mục tiêu cần giám sát.

Điều này đặt ra những lo ngại không chỉ ở các nước EU mà trên phạm vi toàn cầu, bởi đến nay chỉ có Pháp là quốc gia duy nhất tại EU có Luật cụ thể về vấn đề này và việc đánh giá mức độ vi phạm của doanh nghiệp còn chưa rõ ràng.