1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thứ trưởng Lê Quân:

"Người dân hài lòng về chất lượng phục vụ là gốc của kết nối dịch vụ, thông tin"

(Dân trí) - "Ngành Lao động- thương binh và xã hội cần dựa trên cái gốc là sự hài lòng của người dân và an sinh xã hội chứ không chỉ đơn thuần chăm lo về vật chất, tinh thần ..." - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu tại Lễ khai trương Hệ thống thông tin kết nối với người dân và doanh nghiệp, sáng 6/12 tại Quảng Ninh.

Người dân hài lòng về chất lượng phục vụ là gốc của kết nối dịch vụ, thông tin - 1

Thứ trưởng Lê Quân cùng đại diện các đơn vị của Bộ khai trương Hệ thống thông tin của Bộ LĐ-TB&XH với người dân và doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Lê Quân nhận định, năm 2019, Bộ đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc triển khai đồng bộ các nhiều dự án và nâng chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong ngành LĐ-TB&XH, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, ngành LĐ-TB&XH phải dựa trên cái "gốc" là sự hài lòng của người dân, an sinh xã hội, trong đó có cần chú trọng việc xử lý ý kiến phản ánh của cử tri, lắng nghe ý kiến của người dân để hoàn thiện chính sách và qui trình ban hành chính sách.

Thứ trưởng Lê Quân cũng nhấn mạnh, việc khai trương Hệ thống trên nhằm thể hiện mục tiêu cơ bản là gia tăng sự hài lòng của người dân, phục vụ nhân dân tốt nhất trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Người dân hài lòng về chất lượng phục vụ là gốc của kết nối dịch vụ, thông tin - 2

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu tại Lễ Khai trương.

"Nếu chúng ta không có thái độ cầu thị, lắng nghe không chú tâm và chú trọng công tác xử lý và mức độ hài lòng của người dân và sự ổn định phát triển của xã hội thì hệ thống công nghệ có tốt đến mấy cũng khó đảm bảo chất lượng phục vụ”, Thứ trưởng Lê Quân bày tỏ.

Thông qua việc khai trương hệ thống kết nối thông tin với người dân và doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng sẽ giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, hỏi đáp chính sách của người dân, doanh nghiệp, cử tri và Đại biểu Quốc hội. Qua đó tăng cường hơn nữa sự công khai, minh bạch, khách quan, trung thực.

Trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã trả lời 127 kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7 (tính đến ngày 12/8/2019); trả lời và giải đáp 1352 câu hỏi chính sách của người dân và doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ (tính đến hết tháng 10/2019); ban hành 558 kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện 2.812 lượt tiếp công dân, trong đó Lãnh đạo Bộ tiếp là 364 lượt người dân...

Bên cạnh đó, hệ thống cũng đẩy nhanh việc lập và quản lý hồ sơ điện tử của các phản ánh, kiến nghị, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của Bộ trong giao tiếp người dân và doanh nghiệp; lập báo cáo thống kê và phân tích phản ánh, kiến nghị phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ hàng năm nhanh chóng, thuận lợi.

Đồng thời thực hiện kết nối, liên thông Hệ thống với Hệ thống của Bộ với người dân và doanh nghiệp của Chính phủ, với các đơn vị liên quan phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ; tiến tới áp dụng chữ ký số trên Hệ thống của Bộ với người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020…

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt công tác trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, trả lời kiến nghị của cử tri và Đại biểu Quốc hội, công tác tiếp công dân.

Phần mềm “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị người dân, doanh nghiệp, cử tri và Đại biểu Quốc hội thuộc Hệ thống thông tin Bộ với Người dân và Doanh nghiệp”.

Mục tiêu của Bộ LĐ-TB&XH trong việc xây dựng phần mềm là thực hiện tốt hơn nữa công tác trên, đồng thời tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành; trên cơ sở ứng dụng CNTT, thực hiện cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin, nâng cao hiệu quả công tác điều hành của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Phần mềm được kỳ vọng nhằm giúp người dân, doanh nghiệp gửi câu hỏi và nhận kết quả nhanh chóng, thuận tiện; hỗ trợ Bộ chỉ đạo, điều hành thống nhất, tập trung việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, cử tri và Đại biểu Quốc hội công khai, minh bạch; kết nối, liên thông với Hệ thống Bộ với Người dân và Doanh nghiệp của Chính phủ.

An Nhiên