1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo Cục Việc làm, chất lượng của nguồn cung lao động Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ

Phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023, lãnh đạo Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, thị trường lao động năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt dịch Covid-19.

Chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế - 1

Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế khiến Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của thời kỳ dân số vàng (Ảnh minh họa: Hải Long).

So với cùng kỳ năm 2021, lực lượng lao động tăng khá nhanh (lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người). Số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế (lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người).

Ngoài ra, nhiều chỉ số khác cũng phát triển theo chiều hướng tích cực như: tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2022 giảm cả ở thành thị và nông thôn; thu nhập của người lao động được cải thiện; số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm…

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Việc làm cũng thừa nhận thị trường lao động Việt Nam mặc dù đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và hạn chế.

Nổi bật nhất là vấn đề chất lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Minh chứng là số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp (năm 2022, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,2%), chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường.

Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.

Chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế - 2

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTV).

Một tồn tại lớn khác mà Cục Việc làm nhắc đến là hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nơi doanh nghiệp tìm người không ra, có nơi lại cắt giảm lao động.

Theo lãnh đạo Cục Việc làm, hiện cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.

Là một trong những tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ, hoạt động Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết. Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện tự chủ từ 1/7/2022 nhưng hiện nay gặp khó khăn. Mong Bộ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thông tin về công tác kết nối cung - cầu lao động tại địa phương, ông Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh cho biết: "Ở Trà Vinh không có nhiều doanh nghiệp nhưng làm tốt được cung - cầu lao động nên cung ứng được nhiều lao động xuất khẩu, giới thiệu được nhiều việc làm tốt. Nhờ Trà Vinh có chính sách hỗ trợ tốt, người lao động xuất khẩu được cho vay 150 triệu đồng và nguồn ngân sách tỉnh đưa qua năm nay là 50 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm".

Hỗ trợ địa phương phát triển thị trường lao động

Nhận ra tồn tại của thị trường là sự mất cân đối dẫn đến khai thác không hiệu quả nguồn nhân lực. Cục Việc làm đã nghiên cứu và xác định nhiều hạn chế trong việc kết nối cung - cầu lao động của cơ quan quản lý như: thu thập thông tin thị trường chưa kịp thời; ít hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu; tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; thông tin thị trường thiếu và bị chia cắt…

Trong năm 2022, ngành lao động đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục điểm yếu này. Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập được tổ chức để nâng cao nhận thức và thống nhất, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động từ trung ương đến địa phương. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 để định hướng phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Cục Việc làm cũng đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đặc biệt là các giải pháp thực hiện liên thông thị trường, kết nối cung cầu lao động được chú tâm triển khai mạnh.

Chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế - 3

Lãnh đạo hơn 30 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh/thành tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023 (Ảnh: CTV).

Trong năm 2022, Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (trực thuộc Cục Việc làm) triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối và định hướng hoạt động cho các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh/thành.

Trung tâm triển khai mạnh hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu lao động thống nhất trên toàn quốc.

Từ đó, trung tâm xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người để phục vụ các phiên giao dịch việc làm, phân tích dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương, hỗ trợ địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến…

Tại hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023, lãnh đạo Cục Việc làm cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH các tỉnh/thành chỉ đạo, tạo điều kiện để Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc tích cực thực hiện nhiệm vụ, kết nối với các Trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc để phát triển thị trường lao động.

Qua những kiến nghị, trao đổi, thảo luận của các đại biểu, ông Vũ Trọng Bình, Cục Trưởng Cục việc làm giao Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm rà soát, tổng hợp những vướng mắc của các trung tâm dịch vụ việc làm đã thực hiện tự chủ tài chính báo cáo cục có giải pháp tháo gỡ.  

Ông Bình cũng đề nghị các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng đề án đầu tư phát triển trung tâm về mọi mặt, nhất là về cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị.