1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chàng trai dân tộc Thái thoát nghèo nhờ nuôi giống vịt siêu ngon

Thanh Tùng

(Dân trí) - Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, chàng trai dân tộc Thái ở Thanh Hóa thoát nghèo bằng giống vịt nổi tiếng ở quê hương, đồng thời giúp nhiều hộ dân trong bản làm ăn kinh tế.

Khởi nghiệp từ vốn vay ngân hàng chính sách

Về xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, nhắc đến chàng trai Lục Văn Nam (SN 1986, ở bản Khuyn) ai cũng biết. Anh là một trong những gương thanh niên làm kinh tế giỏi ở nơi này.

Chàng trai dân tộc Thái thoát nghèo nhờ nuôi giống vịt siêu ngon - 1

Anh Lục Văn Nam - gương thanh niên làm kinh tế giỏi ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Ảnh: Thanh Tùng).

Hơn 10 năm trước, Lục Văn Nam là thanh niên tiêu biểu ở vùng quê nghèo xã Cổ Lũng được cử đi học nghề để thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương. "Ngày ấy ở quê hương tôi tỷ lệ đi học đại học, cao đẳng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi may mắn được địa phương tin tưởng, giới thiệu đi học một trường cao đẳng nghề theo dự án hỗ trợ từ chương trình 30a của Chính phủ, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn", anh Nam chia sẻ.

Chàng trai dân tộc Thái thoát nghèo nhờ nuôi giống vịt siêu ngon - 2

Nhờ nuôi giống vịt Cổ Lũng dưới suối, anh Nam đã khởi nghiệp thành công (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo anh Nam, năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, anh trở về quê hương để tìm hướng phát triển kinh tế. Bằng những kiến thức học được ở trường, nhận thấy nơi mình sinh sống có giống vịt Cổ Lũng nổi tiếng từ xa xưa nên anh quyết định khởi nghiệp bằng chính mô hình nuôi giống vịt này.

Đến năm 2014, anh vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội được 30 triệu đồng và 10 triệu đồng vay bố mẹ để khởi nghiệp. Có vốn, Nam đi khắp bản làng thu mua được 50 con vịt thuần chủng để làm giống rồi ra bờ suối Khanh, cạnh nhà dựng lều trại, quây lưới thả lứa vịt đầu tiên.

Những ngày đầu, thấy anh Nam dựng lán ngoài bờ suối nằm trông lũ vịt, nhiều người ngạc nhiên. Thế nhưng, lứa vịt đầu tay của anh Nam lớn nhanh, đẻ trứng đều đặn.

Chàng trai dân tộc Thái thoát nghèo nhờ nuôi giống vịt siêu ngon - 3

Giống vịt Cổ Lũng tại trang trại của anh Nam (Ảnh: Thanh Tùng).

"Vịt Cổ Lũng khi nhỏ rất khỏe, đây là giống vịt ưa sự tự nhiên nên phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đúng bản năng. Gần nhà có bờ suối Khanh nên tôi đã đưa vịt ra đó chăn thả cho phù hợp", anh Nam nói.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ 50 con vịt giống, chàng trai trẻ Lục Văn Nam đã nhân giống thành một trang trại vịt với quy mô hàng trăm con. Anh Nam cho biết, năm 2016 anh bắt đầu tung ra thị trường những lứa vịt đầu tiên. Sản phẩm mà anh bán ra thị trường chủ yếu là trứng vịt và vịt thương phẩm.  

Tuy nhiên, do chưa tiếp cận được thị trường nên thu nhập lần đầu khoảng 20 triệu đồng.

Đến năm 2018, khi du lịch Thác Hiêu và Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông phát triển, nhiều du khách về ghé thăm, nhiều nhà hàng bắt đầu mọc lên, anh Nam tận dụng thời cơ "tiếp thị" sản phẩm vịt Cổ Lũng và đạt được thành công ngoài kỳ vọng.

Chàng trai dân tộc Thái thoát nghèo nhờ nuôi giống vịt siêu ngon - 4

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nam còn giúp nhiều bà con trong bản chăn nuôi vịt nhờ mô hình liên kết (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đó là một bước đột phá đối với tôi, nhờ liên kết cung cấp vịt thương phẩm với các Resort, nhà hàng mà tôi đã thoát ra được thế khó khăn", anh nam tâm sự.

Hiện anh Nam đang sở hữu đàn vịt hơn 1.000 con. Trung bình mỗi năm anh thu nhập khoảng 70-90 triệu đồng từ nuôi vịt.

Thành công với giống vịt Cổ Lũng, tháng 8/2021, anh Lục Văn Nam mạnh dạn đầu tư nuôi thêm bò 3B, đem về thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Từ hộ gia đình nghèo, phải vay vốn làm ăn, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo thành công.

Giúp bà con dân bản cùng thoát nghèo

Để mở rộng quy mô, anh Nam đang liên kết nuôi vịt với 18 hộ dân trên địa bàn xã. Phương thức liên kết chủ yếu của anh Nam là bán con giống cho bà con, sau 3 tháng sẽ nhận thu mua toàn bộ số vịt của bà con để bán ra thị trường.

Mỗi tháng, anh tiêu thụ khoảng 1.500 con vịt thương phẩm cho bà con dân bản. "Mình là người được cử đi học với mục đích về địa phương giúp bà con thôn bản, giúp địa phương phát triển kinh tế. Việc liên kết này phần nào giúp bà con trên địa bàn có công ăn việc làm, có nguồn thu rõ rệt", anh Nam cho hay.

Chàng trai dân tộc Thái thoát nghèo nhờ nuôi giống vịt siêu ngon - 5

Anh Nam đã áp dụng những kiến thức được học vào thực tế (Ảnh: Thanh Tùng).

Trang trại của anh Nam tạo công ăn việc làm thời vụ cho 4-5 người với mức lương 4-4,5 triệu đồng/tháng.

"Tôi đang có hướng sẽ mở rộng mô hình nuôi bò 3B. Đây là giống bò rất phù hợp với điều kiện sẵn có ở địa phương. Quê hương tôi có rất nhiều đồng cỏ, có thể sử dụng làm nguồn thức ăn để nuôi bò mà không tốn quá nhiều kinh phí", anh Nam chia sẻ dự định của mình.

Chàng trai dân tộc Thái thoát nghèo nhờ nuôi giống vịt siêu ngon - 6

Anh Nam cho biết sẽ mở rộng quy mô nuôi bò 3B (Ảnh: Thanh Tùng).

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Lũng cho biết, anh Lục Văn Nam là gương thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương. Nhờ mô hình nuôi vịt, anh đã thoát nghèo. Ngoài ra, anh Nam còn giúp đỡ bà con trong thôn, bản phát triển kinh tế từ việc liên kết nuôi vịt.

"Các hội viên Hội nông dân ở xã Cổ Lũng sử dụng vốn vay từ ngân hàng chính sách trước đây đều đã thoát nghèo, tất cả các hội viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nguồn vốn vay như kế sinh nhai để người dân phát triển kinh tế. Riêng đối với anh Nam, đây là mô hình điển hình, chúng tôi rất vui mừng khi anh phát huy và sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả", bà Nga cho biết thêm.