1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Ngã rẽ nghề nghiệp bất ngờ và thành công từ lời hứa với người cha quá cố

Thanh Tùng

(Dân trí) - Từ bỏ nghề kỹ sư, anh Lê Đình Trúc về quê thay cha xây dựng lại mô hình hợp tác xã trồng nấm. Sau nhiều lần thất bại, anh cũng đã gặt hái được thành công, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Ngã rẽ bất đắc dĩ và thành công ngoài mong đợi từ lời trăng trối của cha.

"Lên bờ xuống ruộng" vì cây nấm

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp hệ Cao đẳng Khoa điện Công nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, anh Lê Đình Trúc (SN 1985, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) ứng tuyển vào vị trí kỹ sư công nghiệp cho một công ty tại TPHCM.

Ngã rẽ nghề nghiệp bất ngờ và thành công từ lời hứa với người cha quá cố - 1

Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng - Lê Đình Trúc, ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa.

Khi công việc đang rất thuận lợi thì bất ngờ biến cố gia đình xảy ra, ngã rẽ nghề nghiệp của anh cũng bắt đầu từ đó. Từ một kỹ sư công nghiệp, anh đã bất đắc dĩ về quê làm nông nghiệp. 

Thời điểm năm 2016, bố của anh là chủ nhiệm Hợp tác xã nông sản Trúc Phượng (HTX). Ông ấp ủ về một mô hình trồng nấm tại địa phương. Khi ước mơ trồng nấm đang dang dở thì ông qua đời. 

Trước lúc mất, ông mong muốn cây nấm sẽ trở thành cây chủ lực của HTX và phải được duy trì, phát triển hơn nữa. Để viết tiếp giấc mơ của cha, anh Trúc từ bỏ công việc kỹ sư công nghiệp rồi khăn gói về quê kế nghiệp cha gây dựng lại HTX. 

"Tôi đến với nghề trồng nấm như thế đó. Bố tôi yêu nông nghiệp và yêu cây nấm đến cháy bỏng. Nhìn cơ ngơi mà ông gây dựng lúc bấy giờ tôi cũng rất nuối tiếc. Tôi thầm hứa quyết tâm sẽ thay cha xây dựng cây nấm thành thương hiệu riêng của HTX", anh Lê Đình Trúc nói.

Ngã rẽ nghề nghiệp bất ngờ và thành công từ lời hứa với người cha quá cố - 2

Từ một kỹ sư công nghiệp, anh Lê Đình Trúc từ bỏ tất cả để về viết tiếp giấc mơ cây nấm cho cha.

Theo anh Lê Đình Trúc, HTX lúc bấy giờ có 7 thành viên. Anh đã kế nhiệm cha trở thành giám đốc của HTX. Những ngày đầu khi bắt tay vào công việc của chàng trai 8X vô cùng gian nan và đầy bỡ ngỡ.

Sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên HTX, anh huy động các thành viên đầu tư vốn rồi cắm sổ đỏ, dốc toàn bộ số tiền tích cóp được để mở rộng mô hình trồng nấm, cải tiến lại hệ thống máy móc.

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, nhiều năm liên tiếp sau đó anh đã nhận những thất bại nặng nề. 

"3 năm đầu gần như thua lỗ khiến tôi và các thành viên rơi vào cảnh lên bờ xuống ruộng. Trước đó, HTX chủ yếu sản xuất rau và nông sản, do kinh nghiệm trồng nấm chưa có, chưa nghiên cứu được phương pháp để cây nấm sống thích hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên không cho năng suất cao. Tính ra mỗi năm thua lỗ từ 200 - 300 triệu đồng", vị giám đốc trẻ nhớ lại.

Những tưởng sau những thất bại đó, anh Lê Đình Trúc sẽ từ bỏ cây nấm để trở lại công việc kỹ sư. Thế nhưng, với quyết tâm và nhớ lại những tâm nguyện cuối đời của cha, anh đã nỗ lực hết mình để vực dậy công việc sản xuất nấm.

Ngã rẽ nghề nghiệp bất ngờ và thành công từ lời hứa với người cha quá cố - 3

Nấm bào ngư xám - một trong những mặt hàng bán chạy nhất tại HTX của anh Lê Đình Trúc.

"Có những lúc tôi muốn từ bỏ công việc này. Nhưng nhớ đến cha tôi lại không nỡ từ bỏ. Tôi xem mỗi lần thất bại là một lần học phí rồi từ đó đúc rút kinh nghiệm. Đến bây giờ thì tôi yêu nấm mất rồi", anh Lê Đình Trúc cho hay.

Thu nhập tiền tỷ và 3 sản phẩm OCOP

Sau khi nghiên cứu và đi nhiều nơi học tập kinh nghiệm trồng nấm, anh Lê Đình Trúc đã tìm ra được phương pháp để cây nấm đạt năng suất cao.

"Cây nấm không ưa thời tiết nắng nóng, muốn cây nấm sống khỏe phải tạo được điều kiện khí hậu thuận lợi. Vì vậy, tôi đã quyết định trồng nấm theo mô hình công nghệ cao", anh chia sẻ. 

Sau khi vay mượn thêm bạn bè và vốn ngân hàng, anh cho xây dựng hệ thống nhà màng, tưới tự động và làm giá đỡ cho cây nấm có được điều kiện tốt nhất để phát triển. Và rồi thành công cũng mỉm cười với anh.

Ngã rẽ nghề nghiệp bất ngờ và thành công từ lời hứa với người cha quá cố - 4

Ngoài làm ăn kinh tế giỏi, tại HTX Trúc Phượng còn tạo công ăn việc làm cho 10 công nhân lao động thường xuyên và 20 công nhân lao động thời vụ.

Đến nay, tại HTX của anh đang có hơn 5.000m2 hệ thống nhà màng, mỗi năm ước tính doanh thu từ cây nấm đạt khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng. Số lượng thành viên HTX từ 7 nay đã tăng lên 15 thành viên. 

Theo vị giám đốc trẻ, mỗi năm HTX xuất ra thị trường khoảng 100 tấn nấm các loại. Trong đó, nấm bào ngư là một trong những mặt hàng bán chạy nhất và đây cũng là sản phẩm được đầu tư trồng nhiều nhất tại cơ sở. 

Ngã rẽ nghề nghiệp bất ngờ và thành công từ lời hứa với người cha quá cố - 5

Hệ thống nhà màng được đầu tư hiện đại.

Vừa qua, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, HTX Trúc Phượng đã xuất sắc xây dựng được 3 sản phẩm OCOP (gồm: Nấm mộc nhĩ, nấm linh chi và bào ngư xám).

Cũng theo anh Lê Đình Trúc, trong thời gian tới, HTX đang tiến hành xây dựng thêm hai sản phẩm trà nấm đạt chuẩn OCOP. 

Không chỉ gây dựng, phát triển tốt mô hình trồng nấm, những năm qua HTX cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện tại, HTX đang tạo công việc cho 10 lao động chính với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng và 20 lao động thời vụ, nhiều lao động tại địa phương có công việc ổn định.

Ngã rẽ nghề nghiệp bất ngờ và thành công từ lời hứa với người cha quá cố - 6

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cây nấm phát triển, anh Trúc cho dựng các giá đỡ bằng sắt.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, HTX Trúc Phượng những năm qua là một mô hình HTX điển hình ở địa phương, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

"Riêng cá nhân anh Lê Đình Trúc là một trong những gương sáng điển hình trong làm kinh tế ở địa phương. Không chỉ thế, anh Trúc còn là một trong những tấm gương trẻ cho nhiều thế hệ sau học tập và noi theo. Với nỗ lực của mình, anh Trúc xuất sắc trở thành một trong 63 gương nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020", ông Nguyễn Hữu Quang cho biết thêm.