Chán cảnh kẹt xe, nam nhân viên văn phòng ở TPHCM đi bộ 6km về nhà
(Dân trí) - "Cuối năm, đường sá ùn tắc hơn ngày thường rất nhiều. Thời gian đi bộ từ công ty về nhà còn nhanh hơn lái ô tô vì giờ hè phố rất thông thoáng", anh Luân, nhân viên văn phòng tại TPHCM, tâm sự.
Hơn 17h30, Minh Luân (38 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM), nhân viên văn phòng, được tan ca như thường lệ. Tuy nhiên, những ngày qua, Luân chọn đi bộ từ công ty về nhà, thay vì lái ô tô như trước đây.
"Cuối năm, đường sá bỗng dưng đông đúc hơn ngày thường rất nhiều. Chỗ nào cũng kẹt xe, thậm chí những đoạn đường vốn dĩ vắng vẻ, nay lại ùn tắc lạ thường. Từ quận 3 về Tân Phú, tôi phải lái xe gần 2 tiếng mới", anh Luân nói.
Mệt mỏi vì công việc cuối năm bận rộn, nam nhân viên văn phòng cho biết mỗi khi về đến nhà, anh không còn sức để dùng bữa tối. Không những vậy, kẹt xe kéo dài trên đường phố khiến ô tô tiêu tốn nhiều nhiên liệu, buộc phải chi nhiều tiền hơn cho khoản xăng xe.
"Giờ di chuyển bằng ô tô hay xe máy gì cũng phải chịu cảnh tắc đường như nhau. Lái xe trong cảnh ùn tắc lại càng dễ khiến cảm xúc trở nên bực bội, dễ gây sự trên đường hoặc không may vi phạm luật giao thông, bị phạt rất nhiều tiền. Vậy nên tôi quyết định đi bộ, vừa tiết kiệm tiền, thời gian, vừa tập thể dục rèn luyện sức khỏe, lại còn bảo vệ môi trường", anh Luân chia sẻ.
Từ ngày chọn phương án đi bộ về nhà, nam nhân viên cho hay anh không phải tốn nhiều tiền đổ xăng. Về đến nhà, anh cũng ăn tối ngon miệng hơn vì vừa đi bộ hơn 6km. Thay vì mất gần 2 tiếng lái ô tô, giờ đây, anh Luân chỉ mất hơn 1 tiếng đi bộ là về đến nhà.
"Từ ngày có mức phạt mới của nghị định 168, tôi thấy người dân rất hạn chế leo lề, vượt đèn đỏ. Nhờ vậy, người đi bộ được "trả lại" phần vỉa hè vốn dĩ thuộc về họ.
Tôi hi vọng hạ tầng giao thông, các phương tiện công cộng được đầu tư, phát triển hơn nữa để đường sá được sử dụng hiệu quả, tránh cảnh ùn tắc kéo dài như hiện tại", anh Luân cho hay.
Do vợ Luân làm công việc được tự chủ về thời gian nên sáng sớm Luân được vợ chở đến cơ quan. Tầm 14h vợ anh sẽ về trước chứ không phải chờ đợi anh đến 17h30 hay 18h như trước đây. Nhờ đó, vợ Luân cũng có nhiều thời gian làm việc nhà và chăm sóc gia đình hơn.
Không riêng anh Luân, anh P.V.H. (ngụ TP Thủ Đức) cho biết cả tuần nay cũng đã chuyển sang phương án đi bộ về nhà mỗi khi tan sở.
"Tôi và nhóm bạn thường xuyên chạy bộ nên việc cả nhóm những ngày qua chọn đi bộ 8-9km từ cơ quan về nhà là hết sức bình thường. Dạo này TPHCM buổi chiều thời tiết khá mát mẻ, vỉa hè lại thông thoáng nên đi bộ từ cơ quan về nhà cũng là một phương án hay, vừa được ngắm phố phường vừa được tập thể dục", anh H. chia sẻ.
Chị Hoài Thu (40 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) cũng cho biết, những ngày qua chi phí xăng xe của chị tăng nhiều hơn bình thường vì đường sá đông đúc, thời gian di chuyển tăng gấp đôi. Chị dự định sắp tới sẽ di chuyển bằng metro hoặc xe buýt để đỡ cảnh vất vả.
"Tôi nghĩ việc di chuyển bằng phương tiện công cộng có thể giúp bản thân tiết kiệm được tiền bạc, thời gian, công sức, tránh được tai nạn giao thông. Dạo gần đây, tôi cũng phải chờ rất lâu mới đặt được xe ôm công nghệ. Vậy nên về nhà bằng phương tiện công cộng là phương án tốt nhất. Tôi dự định sẽ hướng dẫn cho con trai tự di chuyển bằng xe buýt hoặc metro", chị Thu nói.
Anh Huỳnh Thanh Nghĩa (40 tuổi, quê tại tỉnh Tiền Giang) chia sẻ rằng tình hình ùn tắc cuối năm khiến công việc của anh bị ảnh hưởng không ít.
Nam tài xế cho hay nhiều khách hàng thường tỏ vẻ khó chịu, thậm chí yêu cầu anh leo lề ở những đoạn đường đông đúc để nhanh chóng đến nơi. Dù sớm biết nếu không chiều theo ý khách thì sẽ bị đánh giá không tốt trên ứng dụng, anh Nghĩa vẫn cương quyết tuân thủ luật để "thà vậy mà không mất Tết".
Hằng ngày, tài xế Nghĩa làm việc từ 18h đến 6h ngày hôm sau để đổi lấy thu nhập 400.000-500.000 đồng. Việc thời gian di chuyển trên đường bị kéo dài so với trước có thể ảnh hưởng không ít đến thu nhập của anh.
"Bây giờ leo lề, vượt đèn đỏ rồi bị phạt mấy triệu đồng là xem như tôi bỏ nghề, về quê ăn Tết sớm luôn. Anh em đồng nghiệp mấy hôm nay lúc nào cũng chạy cẩn trọng hết mức để bảo vệ "chén cơm".
Nhiều năm đi làm, chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm, thậm chí có lúc bản thân cũng là nạn nhân, tôi tự nhủ chậm một chút cũng không mất mát gì", anh Nghĩa trải lòng.