Nữ nhân viên chết gục 4 ngày tại công ty: Cô đơn tột cùng nơi công sở!
(Dân trí) - "Đọc câu chuyện về một nữ nhân viên ở Mỹ tử vong tại công ty nhưng 4 ngày sau mới được phát hiện, tôi cảm nhận sự cô đơn tột cùng của cô ấy nơi gắn bó bao năm", một nhân viên văn phòng thốt lên.
Người "vô hình" chốn công sở
Giờ nghỉ trưa, Huỳnh Giang (23 tuổi), nhân sự trẻ tại một công ty truyền thông ở TPHCM, vừa nghỉ ngơi vừa xem tin tức. Khi lướt đến dòng tin về sự việc "một người phụ nữ tại Mỹ qua đời ở công ty nhưng 4 ngày sau mới được phát hiện", Giang bỗng khựng lại và thấy rất sốc.
"Hằng ngày, phải chăng không có một đồng nghiệp nào đến hỏi thăm hay chỉ đơn thuần là gật đầu, chào hỏi cô ấy? Họ chỉ đi ngang qua và mặc kệ đồng nghiệp đáng thương nằm bất động trên bàn? Tôi thấy rất buồn vì nữ nhân viên đó đã rất cô đơn vào giây phút cuối đời mình", Giang nói.
Cô tự hỏi: "Nếu không may tôi gặp vấn đề về sức khỏe khi đang làm việc, liệu có ai phát hiện và giúp đỡ không?". Nữ nhân sự trẻ chợt nhận ra, bản thân mình cũng là một người cô đơn nơi công sở.
Công ty nơi Giang làm việc chỉ có 12 nhân sự. Các nhân viên đều đã gắn bó và có kinh nghiệm làm việc tại đây rất lâu. Là một nhân sự trẻ, sự cách biệt thế hệ là một phần nguyên nhân khiến Giang khó có thể thân thiết được với các đồng nghiệp trong văn phòng.
"Các đồng nghiệp hầu hết đều trên 30 tuổi, thường chơi với nhau theo nhóm và khá dè chừng "ma mới" như tôi. Bản thân tôi đã cố gắng bắt chuyện và đùa giỡn nhưng không tài nào thân quen được với họ", Giang chia sẻ.
Thường ngày, cô cũng giữ thói quen chào hỏi đồng nghiệp khi ra, vào công ty. Tuy nhiên, vì là người nhỏ tuổi nhất văn phòng nên hiếm có ai chủ động đến trò chuyện hay gửi lời chào đến Giang. Giờ nghỉ trưa, Giang cũng chỉ ăn một mình vì đồng nghiệp đã đi theo nhóm riêng.
Thậm chí, vào những hôm tăng ca về muộn, chỉ đến khi Giang ngoái đầu nhìn thì mới biết tất cả mọi người đã ra về, không một lời chào nào dành cho cô.
Chữa "bệnh" lười giao tiếp
"Mỗi ngày, tôi cảm thấy rất áp lực khi đến công ty, nhìn mọi người cười nói với nhau còn tôi chỉ ngồi một mình, một góc, không thể giao tiếp một cách tự nhiên với bất kỳ ai. Cấp trên thì quá bận rộn, chỉ có thời gian nghe tôi báo cáo công việc 1 lần/tuần trong nhóm chat, còn những vấn đề khác thì rất khó trao đổi", Giang bộc bạch.
Nữ nhân viên trải lòng, cô rất sợ bản thân sẽ rơi vào tình thế như câu chuyện của cô gái nơi nửa kia trái đất. Vậy nên, Giang luôn cố gắng tìm mọi cách hòa nhập. Thế nhưng cô nhận thấy, mọi chuyện còn rất khó khăn, trở ngại.
Là một nhân sự làm việc trong lĩnh vực tài chính, chị T.U. (30 tuổi) cũng chia sẻ cảm giác thấy lạc lõng không ít lần ở nơi mình đã gắn bó lâu năm.
"Việc có hòa hợp được với nơi công sở hay không còn phụ thuộc vào tính cách cá nhân và môi trường làm việc. Công ty tôi cũng nhiều lần làm mới bộ máy nhân sự.
Tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc giao lưu với đồng nghiệp mới. Họ chơi theo từng nhóm, nhóm thì có sở thích nói xấu sếp, nhóm thì lúc nào cũng đi nhậu sau giờ tan ca… Bản thân không thể nào gắn bó với những đồng nghiệp không phù hợp nên tôi không tránh khỏi việc bị quay lưng, cô lập ở công ty", chị U. chia sẻ.
Theo báo cáo Trí tuệ cảm xúc, Sức khỏe - Cân bằng toàn cầu (State of the heart 2024), điểm số trí tuệ cảm xúc toàn cầu giảm liên tiếp trong suốt 4 năm qua. Giai đoạn 2019-2023, điểm trung bình của trí tuệ cảm xúc toàn cầu giảm 5,54%.
Giai đoạn này, 65% các ngành nghề ghi nhận gia tăng tình trạng kiệt sức, thể hiện qua sự thay đổi về chỉ số động lực.
Báo cáo cũng thể hiện, tại nơi làm việc, chỉ có 23% nhân viên trên toàn thế giới cảm thấy kết nối với công việc, trong khi 60% cho biết họ hoàn toàn... thờ ơ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là sự mất gắn kết của nhân viên.
Tại châu Á, điểm số trí tuệ cảm xúc ở mức thấp nhất trên toàn cầu. Châu Á đạt điểm thấp nhất trong kỹ năng "phát huy nội lực cá nhân". Hơn nữa, tất cả các điểm số kỹ năng đều dưới mức trung bình 100, cho thấy cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc giáo dục và thực hành trí tuệ cảm xúc trong khu vực.
Đáng chú ý, có đến 53,7% nhân sự Gen Z có mức độ hài lòng thấp. Điều này báo hiệu nguy cơ bị mất sự gắn kết và kiệt sức. Vì vậy, hiệu suất cao ở Gen Z không bền vững.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.