Cay đắng những phận người sống nhờ "ngọc trai núi"

Đặng Dương

(Dân trí) - Nhiều năm đi làm thuê, anh Dem cũng như thợ hái khoán cà phê khác chứng kiến không ít vụ tai nạn, chấn thương trong lúc làm việc, người nhẹ thì gãy tay, gãy chân, người nặng thì tổn thương cột sống...

Lao động thời vụ, nay đây mai đó

Cuối năm 2019, do hoàn cảnh khó khăn nên bà Sòng Thị Da (SN 1968) và chồng là ông Giàng A Lệnh (SN 1968) cùng con trai út sinh năm 2005 từ tỉnh Sơn La vào Đắk Nông hái cà phê thuê.

Sau vụ thu hoạch cà phê đó, gia đình bà Da quyết định không về quê mà bám trụ lại ở Đắk Nông. Được một người dân cho ở tạm căn nhà gỗ trong rẫy, hàng ngày gia đình bà Da đi làm thuê để trang trải cuộc sống.

Phần lớn là công việc khoán theo sản lượng, cuối ngày sẽ lĩnh tiền công. Suốt những năm đi làm, gia đình bà Da chưa một lần giao kết bằng văn bản với người sử dụng lao động, bởi đơn giản công việc của họ chỉ gói trọn trong khoảng một tuần lễ.

Cay đắng những phận người sống nhờ ngọc trai núi - 1

Sau những biến cố, vợ chồng bà Da vẫn tiếp tục đi làm thuê song vẫn không có bất kỳ giao kết nào (Ảnh: Ngọc Hùng).

Tai họa ập xuống, ông Lệnh cùng con trai gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm. Ông Lệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch còn con trai thì tử vong ngay sau đó do vết thương nặng.

Không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, gia đình bà Da phải tự trang trải kinh phí điều trị tại bệnh viện và kinh phí mai táng cho người con trai đã mất.

Cay đắng những phận người sống nhờ ngọc trai núi - 2

Năm 2020, khi đang đi làm thuê tại Đắk Nông, chồng và con bà Da gặp tai nạn khiến người con trai út tử vong, chồng bị thương nặng (Ảnh: Ngọc Hùng).

Cũng giống như bà Da, cứ độ tháng 10 hàng năm, vợ chồng anh Y Dem (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại cùng nhóm thợ cùng quê đến Đắk Nông để thu hoạch cà phê thuê.

Hơn 10 làm nghề thu hoạch cà phê khoán, nhưng mỗi vườn cà phê, nhóm thợ của anh Dem lưu lại khoảng 4-5 ngày, sau đó lại đến vườn cà phê khác để làm việc.

Không hợp đồng lao động, nhiều năm qua, việc hái cà phê khoán giữa nhóm thợ và chủ vườn chỉ bằng "hợp đồng miệng".

"Từ trước đến nay, tôi không biết ký hợp đồng lao động là gì, cứ thấy vườn cà phê nào sai quả, dễ thu hoạch thì nhận hái khoán cho chủ. Công thu hoạch cà phê cao, chúng tôi tranh thủ hái thuê từ vườn này sang vườn khác, khoảng 2 tháng là hết vụ", anh Dem nói.

Cay đắng những phận người sống nhờ ngọc trai núi - 3

Hàng vạn lao động tự do đến Tây Nguyên để làm nghề thu hái cà phê (Ảnh: Đặng Dương).

Nhiều năm đi làm thuê, anh Dem cũng như thợ hái khoán khác chứng kiến không ít vụ tai nạn, chấn thương trong lúc làm việc, người nhẹ thì gãy tay, gãy chân, người nặng thì tổn thương cột sống, mất sức lao động.

Tuy nhiên, vì thu nhập cao, lại không có việc làm ổn định, nhiều người lao động như anh Dem vẫn chấp nhận công việc này.

Chưa tiếp cận được các chính sách

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông với diện tích trên 122.000 ha. Để thu hoạch số diện tích trên, tỉnh cần khoảng 240.000 lao động (theo định mức công thu hoạch 116 công/ha).

Trong khi nguồn lao động tại chỗ khoảng trên 120.000 lao động, chỉ đáp ứng khoảng từ 50-60% nhu cầu nên số nhân công còn lại phải thuê mướn từ các tỉnh khác.

Cay đắng những phận người sống nhờ ngọc trai núi - 4

Mỗi vụ thu hoạch cà phê, Đắk Nông tiếp nhận khoảng 120.000 lao động về làm việc (Ảnh: Đặng Dương).

Vào mùa thu hoạch cà phê, tỉnh Đắk Nông tiếp nhận một lượng lớn lao động thời vụ từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và miền Tây.

Người lao động được trả công theo ngày hoặc theo sản phẩm (khoán) với mức thu nhập trung bình khoảng 350.000 đồng/ngày. Sau khi thu hoạch xong nông sản, hầu hết người lao động lại trở về nơi thường trú, số lượng ở lại làm việc lâu dài rất ít.

Do làm việc trong thời gian ngắn (mỗi nơi làm việc, một người lưu trú 7-15 ngày), công việc giản đơn nên hầu hết số lao động này không có giao kết bằng văn bản (hợp đồng lao động) mà chỉ thỏa thuận miệng.

Chính vì thế, số lao động này được coi là lao động phi chính thức, đồng thời cũng là nhóm đối tượng đối diện với nhiều rủi ro trong quá trình làm việc và ít được tiếp cận nhất với các chính sách an sinh, việc làm.

Cay đắng những phận người sống nhờ ngọc trai núi - 5

Lao động phi chính thức đối diện với nhiều nguy cơ trong quá trình làm việc (Ảnh: Đặng Dương).

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, khi làm việc theo hình thức này người lao động đối diện với tình trạng chủ sử dụng trả công không đầy đủ, kịp thời; bắt làm việc nặng nhọc, nguy hiểm hay phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm thợ, giữa các hộ thuê mướn lao động.

Trong những năm qua, để bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tuy nhiên công tác bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn.

"Nguyên nhân là công tác quản lý lao động chưa chặt chẽ; các hộ gia đình tự thuê mướn lao động, không ký kết hợp đồng lao động, không đăng ký tạm trú. Trong khi đó, Bộ luật Lao động hiện nay cũng chưa có những quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi của nhóm lao động này", Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông nhìn nhận.

Trong thời gian, để thực hiện tốt các chính sách an sinh, giúp người lao động ngoại tỉnh yên tâm tới Đắk Nông làm việc, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tăng cường công tác quản lý lao động, việc làm, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động đối với lao động thời vụ tại các địa phương.