Nhà nông Tây Nguyên "online" tuyển người, rao giá nửa triệu đồng/ngày công
(Dân trí) - Dù đã trả công "cao ngất", nhà nông vùng chuyên canh cà phê ở Đắk Nông vẫn kêu rất khó tìm đủ nhân công thu hoạch, phải lên mạng xã hội rao tuyển người phụ giúp.
Ngày công nửa triệu cũng không mặn mà
Huyện Đắk R'lấp là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Đắk Nông. Cà phê ở khu vực này thường chín sớm hơn những vùng khác nên hiện nhiều nông hộ đã bắt đầu thu bói.
Gia đình anh Trần Văn Phú (thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp) có 7 ha cà phê đang cho thu hoạch. Hơn 15 ngày qua, vợ chồng anh Phú gửi con cho ông bà nội, ngoại rồi tranh thủ đi hái cà phê.
Những năm trước, anh Phú thường nhận một nhóm người là 10 nhân công từ tỉnh Điện Biên vào để thu hoạch cà phê từ đầu đến cuối vụ. Tuy nhiên, năm nay, do dịch Covid-19, các phương tiện vận tải vẫn chưa hoạt động lại, cùng với những quy định phòng, chống dịch chặt chẽ nên nhóm người này không thể vào được.
Nhân công thuê năm ngoái không thể thuê, nhân công năm nay cũng chưa kiếm ra, chủ vườn cà phê rộng 7 ha rất lo lắng.
Anh Phú chia sẻ: "Để tìm nhân công, tôi đã liên hệ lao động nhàn rỗi tại địa phương nhưng người ta đã nhận công hết rồi. Đăng tin tìm người khắp zalo, facebook, nhưng cả tuần nay vẫn chưa ai phản hồi lại. Chưa năm nào tìm người hái cà phê khó khăn như năm nay".
Bà Hoàng Thị Hoa (thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa) cũng sốt sắng khi gần một hecta cà phê đã đến thời điểm thu hoạch mà không có người hái. Mưa kéo dài, cà phê chín đỏ cây càng khiến chủ vườn thấp thỏm, nếu không thu hoạch sớm, sản lượng sẽ giảm đi đáng kể.
Bà Hoa cho biết, năm ngoái bà thuê người hái khoán với giá 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chủ vườn khoán công với giá 1.500 đồng/kg, nhưng cũng không ai nhận hái.
"Cà phê nhà tôi sai quả, nếu hái nhanh thì mỗi ngày cũng được hơn 500.000 đồng, thậm chí là 700.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên nhân công đều ở vùng dịch, họ chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 nên không dám vào. Người tại chỗ cũng không nhận do còn bận hái ở vườn nhà", bà Hoa nói rồi trưng tin nhắn từ chối của người hái thuê.
Lên phương án tiêm vaccine cho nhân công
Chật vật tìm công nhân thu hái cà phê, vợ chồng bà Hoa đều cho rằng, năm nay do dịch Covid-19, một lượng lớn người lao động từ các tỉnh phía Bắc và Nam Trung bộ không thể đến Tây Nguyên làm việc được.
Nguồn lao động tại chỗ chỉ đủ đáp ứng được một phần nhu cầu, trong khi đó nhiều người lao động cũng đã rục rịch quay trở lại các tỉnh thành phía Nam nên trong thời gian tới, khả năng thiếu hụt lượng không nhỏ nhân công hái cà phê.
Theo tính toán, mỗi hecta cà phê, ngoài 2 nhân công trong gia đình thì cần thuê thêm ít nhất một nhân công thu hái. Năm nay cà phê được mùa nên lo lắng khan hiếm nhân công thu hoạch đang hiện hữu tại các vùng chuyên canh lớn của tỉnh.
Cà phê có đặc thù là thu hoạch cùng một thời điểm trên diện rộng nên việc đổi công cho nhau thường khó thực hiện. Đặc biệt, sau mùa cà phê là đến mùa thu hoạch hồ tiêu, nếu tình trạng này kéo dài, rất dễ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, các địa phương của tỉnh Đắk Nông đang khuyến khích người dân phát huy nguồn lực lao động tại chỗ theo hình thức đổi công trong khu vực "vùng xanh".
Đối diện với nguy cơ khan hiếm nhân công thu hoạch, sơ chế và bảo quản cà phê, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã có hướng dẫn tổ chức thu hoạch trong điều kiện dịch bệnh.
Theo ước tính của sở này, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 120.000 ha cà phê và cần khoảng 13 triệu công thu hoạch nông sản đặc trưng vùng đất đỏ bazan này. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%, do đó khả năng cao sẽ khan hiếm nhân công do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện, thành phố rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các đối tượng chưa có việc làm tiếp cận thông tin, thành lập các tổ nhóm phục vụ thu hoạch cà phê tại các địa phương.
Đối với các huyện, thành phố, Sở NN&PTNT đề nghị chủ động thành lập các tổ, đội, nhóm thu hoạch để thực hiện đổi công, thuê mướn. Bên cạnh đó, địa phương cũng nghiên cứu, rà soát, ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia tổ, nhóm sản xuất, thu hoạch, sơ chế…