1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đắng cay giấc mộng xứ người

Ấp ủ giấc mơ đổi thay số phận, nhiều người đã chọn con đường xuất ngoại để mưu sinh. Nhưng, không ít thân phận đã một đi không trở lại, bỏ mạng trên những chuyến hành trình khi chưa chạm đích đến…

…Hoặc, nếu may mắn hơn, một số người tìm được công ăn việc làm, nhưng rồi cũng bị đày đọa đến bầm giập nơi xứ người. Xuất ngoại chui, di dịch cư trái phép đang là vấn nạn, gây ra nhiều hệ lụy trong những năm gần đây.

Ám ảnh những vụ tử vong tập thể khi xuất ngoại chui

Ngày 19/5, thông tin từ chính quyền thành phố Tịnh Tây ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, vào khoảng 6h30 phút (giờ địa phương), một chiếc xe chở 14 người đã bị lật khỏi vách đá và rơi xuống ao ở làng Siming, thành phố Tịnh Tây. Điều tra sơ bộ cho thấy 9 trong số 11 người thiệt mạng là người Việt Nam, 1 người Trung Quốc và người còn lại chưa xác định được danh tính. T

heo lời khai ban đầu của nạn nhân sống sót là tài xế chiếc xe địa hình, mang quốc tịch Trung Quốc thì người này giúp người nước ngoài vượt biên trái phép sang Trung Quốc. 2 nạn nhân còn lại mang quốc tịch Việt Nam, hiện tất cả những người này đã bị tạm giữ để thẩm vấn.

Đắng cay giấc mộng xứ người - 1
Cơ quan chức năng khởi tố nữ giám đốc chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động chui.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và tích cực triển khai các biện pháp lãnh sự cần thiết. Bộ Ngoại giao cũng khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng trong nước để xác minh nhân thân các nạn nhân, sớm thông báo cho gia đình các nạn nhân và địa phương liên quan.

Cũng thời gian này, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, điều tra đường dây đưa người vượt biên trái phép từ Trung Quốc sang Đài Loan, khiến 14 người Việt bị chìm tàu và thiệt mạng ngoài khơi.

Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng đầu tháng 3/2023, Cảnh sát biển Đài Loan qua công tác tuần tra, phát hiện 16 thi thể ở khu vực ven biển phía Tây hòn đảo ven biển Đài Trung đến Cao Hùng. Trong đó, có 2 thi thể được xác nhận là nam giới, quốc tịch Việt Nam. Nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc), thân nhân những người được cho là mất tích tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Bước đầu xác định, trong số 16 nạn nhân này, có 14 công dân là người Việt Nam, đã tổ chức vượt biên trái phép vào Đài Loan qua địa phận Trung Quốc, khi đang di chuyển bằng ca nô trên biển thì gặp sự cố. Kết nối dữ liệu thông tin từ người nhà một số nạn nhân, được biết, ngày 18/2 nhóm người này được đưa đến vùng biển Đài Loan, từ tối 19/2 thì hoàn toàn mất liên lạc.

Đầu tháng 3/3023, cảnh sát nước sở tại phát hiện thi thể của các nạn nhân dạt vào bờ biển. Trong số này, có một nạn nhân quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng phối hợp điều tra để làm rõ hành vi tổ chức đưa người vượt biên trái phép.

Đắng cay giấc mộng xứ người - 2
Cơ quan chức năng nước sở tại tổ chức cứu nạn vụ 9 người việt thiệt mạng do tai nạn giao thông ở Trung Quốc.

Cũng tại Hà Tĩnh, liên quan đến hành vi vượt biên trái phép, vào khoảng đầu tháng 2 năm nay đã diễn ra sự kiện khiến nhiều người quan tâm khi tài xế chiếc xe tải đông lạnh chở 39 người Việt, gồm 31 đàn ông và 8 phụ nữ, đều là công dân Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh bằng container trên phà xuất phát từ Bỉ tới cảng Purfleet ở Essex khiến toàn bộ số công dân nói trên bị thiệt mạng vào tháng 10/2019 đã đến Hà Tĩnh để nói lời xin lỗi tới thân nhân các nạn nhân.

Ông John Hurson (53 tuổi), là tài xế lái chiếc xe nói trên, kể từ khi vụ việc xảy ra, ông luôn bị ám ảnh nhưng vướng đại dịch COVID-19 nên đến nay mới thực hiện được tâm nguyện, vượt hơn 10.000 km để sang Việt Nam, để chia sẻ nỗi đau với các gia đình mất người thân trong thảm kịch di cư Essex. Vụ việc này, Hà Tĩnh có 10 nạn nhân, Nghệ An 21 nạn nhân, những người còn lại bị thiệt mạng trú tại các tỉnh Quảng Bình, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế và thành phố Hải Phòng.

Dang dở giấc mộng xứ người

Số liệu thống kê cho thấy, cùng với Nghệ An thì Hà Tĩnh là địa phương có lượng người xuất khẩu lao động lớn nhất trong khu vực Bắc miền Trung nói riêng và trên cả nước nói chung. Các đích đến mà lao động ở địa phương này lựa chọn để làm việc chủ yếu là Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Âu và châu Phi. Bên cạnh số lao động xuất ngoại theo con đường chính ngạch, được bảo hộ khi lao động ở xứ người thì hằng năm, vẫn còn đó số lượng tương đối lớn lao động chọn con đường bất hợp pháp, di dịch cư trái phép để giảm thiểu chi phí phát sinh, nhưng hệ lụy lại vô cùng lớn, thậm chí có nhiều trường hợp đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Trung tá Trần Văn Sông, Phó Đồn trưởng, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh đã triệt phá 3 vụ với 12 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Các đối tượng chủ yếu đưa người từ Hà Tĩnh qua Lào, sau đó sang Thái Lan để tìm kiếm việc làm. Hoạt động này thường được tổ chức khép kín, có sự móc nối giữa người Việt Nam và người nước ngoài, với những chiêu thức tinh vi như sử dụng thông tin giả để làm hộ chiếu, ẩn nấp trên các thùng hàng, xe hàng để qua mắt lực lượng chức năng...

Ngoài ra, vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng trên địa bàn đã hình thành các đường dây đưa người vượt biên trái phép. Trong đó, từ đầu năm đến nay, địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng cấu kết với người ngoại tỉnh, tổ chức đưa người Trung Quốc qua địa phận Hà Tĩnh nhập cảnh trái phép sang Lào. Hệ lụy của việc đi xuất khẩu lao động chui này rất dai dẳng, thậm chí có những trường hợp khi tai nạn, thương vong xảy ra, sở tại báo về thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mới biết công dân đã không có mặt ở địa phương từ nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Trở lại vụ việc 39 lao động tử vong trong con[1]tainer ở Anh, tỉnh Hà Tĩnh mới tiến hành rà soát lao động đi mưu sinh ở nước ngoài và phát hiện thời điểm lúc bấy giờ, cả tỉnh có đến hơn 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó, có khoảng 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, số còn lại là lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động. Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho rằng, không quản lý được vấn nạn này và muốn chấn chỉnh thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đắng cay giấc mộng xứ người - 3
Lao động ở nước ngoài vẫn có sức hút lớn đối với giới trẻ Việt Nam.

Hệ lụy của việc xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội đổi đời là người lao động phải đối mặt với muôn vàn rủi ro, khi có sự cố tai nạn xảy ra, gần như không được nhà chức trách nước sở tại bảo hộ, thậm chí không ít trường hợp bị đánh đập, cướp bóc, hành hạ dẫn đến tử vong. Để có tiền làm thủ tục và đưa thi thể về quê nhà, hội đồng hương phải đứng ra kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ từ các nhà hảo tâm và những lao động khác đang làm việc xa xứ. Nhiều trường hợp thậm chí còn chưa chạm đích đến, khi gặp rủi ro, tử vong trên những cung đường chui nhủi, nhưng đa phần đều không coi đó là bài học mà vì kiếm tiền và vì giấc mộng nơi xứ người, hằng năm vẫn có hàng nghìn công dân Việt chấp nhận đánh đổi cả mạng sống để vượt biên, nhắm mắt đưa chân tìm đường xuất ngoại ít tốn kém nhất.

Hằng năm, Sở Ngoại vụ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã phải đứng ra can thiệp giúp đỡ và xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến công dân bị bắt giữ tại nước ngoài, bị trục xuất do nhập cảnh trái phép hoặc gặp tai nạn rủi ro tại các nước. Phần lớn các lao động này đều tìm cách ra nước ngoài theo con đường không chính thống. Đau đớn hơn, không ít trường hợp đã phải bỏ mạng nơi xứ người, như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1975) và chị Nguyễn Thị Hường (SN 1979), trú tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Năm 2011, anh Tuấn xuất khẩu lao động chui sang Angola, được khoảng nửa năm thì bị cướp tấn công dẫn đến tàn phế, phải trở về quê trong tình trạng thân tàn ma dại. Để có tiền trang trải khoản nợ nần do chồng để lại, chị Hường buộc phải gửi gắm con cái cho ông bà ngoại, "viết tiếp" giấc mơ xuất ngoại còn dang dở của chồng nơi xứ người. Bi kịch xảy ra khi chị Hường mới sang Angola làm việc được 2 tháng thì nhận tin chồng ở quê nhà mất do vết thương tái phát. Một thời gian sau, người phụ nữ này cùng em chồng cũng bỏ mạng khi bị cướp sát hại ở Angola.

Câu chuyện của gia đình anh Tuấn, chị Hường chỉ là một trong số hàng trăm bi kịch xảy ra hằng năm đối với lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo con đường không chính ngạch. Họ đối mặt với muôn vàn rủi ro khi làm việc trong môi trường khắc nghiệt nhưng không được bảo hộ. Thành phần này, ngoài số lượng xuất ngoại chui, hằng năm còn có sự đóng góp không nhỏ từ một số bộ phận lao động chính thống nhưng bỏ trốn ra làm ngoài hoặc hết thời hạn hợp đồng nhưng không về nước mà lén lút ở lại làm việc, di cư tự do trong tình trạng không có giấy phép lao động của nước sở tại.

Theo Thiện Thành - Công an nhân dân