Kon Tum:

Cặp vợ chồng miền Tây rong ruổi bán món dừa lạ, hút khách

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Hàng chục năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mến (tỉnh Bến Tre) rong ruổi khắp vùng cao nguyên để bán món dừa nước miền Tây. Thứ quả là lạ mà nước mát hút khách phố núi.

Ông Nguyễn Văn Mến và bà Phan Thị Em (quê huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) rong ruổi khắp các con phố ở cao nguyên bán đặc sản vùng sông nước miền Tây.

Dừng chân bên đường Lê Lợi (phường Quyết Thắng, TP Kon Tum), chúng tôi được ông bà kể về những thăng trầm khi mưu sinh bên lề đường khắp các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên hàng chục năm nay.

Cặp vợ chồng miền Tây rong ruổi bán món dừa lạ, hút khách - 1

Hàng chục năm nay, hai vợ chồng bà Mến đã rong ruổi khắp các tỉnh Tây Nguyên để bán dừa nước (Ảnh: Phạm Hoàng).

Bà Em bộc bạch, ở quê nhà khó khăn, làm ruộng mà không đủ ăn. Hai vợ chồng bàn nhau đưa đặc sản miền Tây là món dừa nước lên núi bán. Ban đầu, vợ chồng mang dừa nước từ Bến Tre lên Gia Lai bán rồi rong ruổi khắp các tỉnh Tây Nguyên.

"Món đặc sản vùng sông nước lạ miệng với người vùng cao nên nhiều khách muốn thưởng thức. Nước dừa mát, ngọt, đặc biệt bán chạy mùa nắng nóng. Từ đó, mình vừa có thu nhập vừa vui vì được quảng bá món ngon quê hương mình", bà Em tâm sự.

Cặp vợ chồng miền Tây rong ruổi bán món dừa lạ, hút khách - 2

Mỗi ngày, ông bà thu về từ 700 nghìn đồng đến tiền triệu với món dừa nước (Ảnh: Phạm Hoàng).

Gần 3 năm nay, hàng dừa nước của hai vợ chồng chủ yếu bày bán bên lề đường ở TP Kon Tum. Một ngày đẩy xe đi bán dừa khắp phố, với giá 50 nghìn đồng mỗi phần cả nước dừa và cơm dừa, đôi vợ chồng thu nhập 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng bà Mến còn bán thêm đường thốt nốt, cũng là đặc sản của miền Tây.

Theo bà Mến, dừa nước vừa mát vừa lành, hình dáng quả dừa lạ mắt với người vùng cao nên ai đi ngang qua thấy cũng mua. Uống thử thấy ngon rồi mua thêm về cho người nhà. Nước và cơm dừa có thể trữ đông vài ngày.

Dừa sau khi hái về được tách riêng từng quả hạch rồi chẻ đôi và nạo lấy phần cơm dừa bên trong. Cơm dừa nước ăn với đá, đường có tác dụng giải khát và thanh nhiệt rất tốt. Nhiều người ăn không hết thì sấy khô cơm dừa dùng dần.

Mùa dừa nước ở miền Tây bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm, nên thường hết tháng 11 là hai vợ chồng lại xuôi về quê nhà ở Bến Tre.

Cặp vợ chồng miền Tây rong ruổi bán món dừa lạ, hút khách - 3

Chiếc xe cà tàng mà hai ông bà đẩy đi khắp các con phố mỗi ngày (Ảnh: Phạm Hoàng).

Bà Nguyễn Thị Hương (trú tại phường Duy Tân, TP Kon Tum) cho biết: "Nhìn quả dừa lạ nên tôi cũng mua ăn thử. Sau khi ăn thử, tôi thấy vị ngọt vừa, thanh và ngon hơn khi ăn với nước thốt nốt. Đây là món có vị mát, phù hợp thời tiết nóng nực ở Kon Tum". 

Cặp vợ chồng miền Tây rong ruổi bán món dừa lạ, hút khách - 4

Món dừa ở miền Tây hút khách phố núi (Ảnh: Phạm Hoàng).

Vì thấy món dừa miền Tây ngon nên nhiều khách Kon Tum đã mua về trữ đông dùng dần, nhất là trong những ngày nắng nóng như hiện nay. Những người chưa thấy cũng hiếu kỳ đến thử, thấy ngon nên đưa về làm quà cho bạn bè, người thân.