1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cán bộ, công chức xài bằng giả: Phải xử lý nghiêm

Thời gian qua, nhiều thông tin cán bộ, công chức sử dụng bằng giả bị phát giác đang gây bức xúc trong dư luận. Những trường hợp cán bộ, công chức sử dụng bằng giả bị phát hiện đều nắm các chức vụ chủ chốt ở cấp xã hoặc được cơ cấu bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ mới. Kết quả xác minh đơn tố cáo cán bộ, công chức sử dụng bằng giả đều đúng sự thật và sẽ được xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật  cán bộ, công chức.

Những tấm bằng giả được phát hiện (ảnh minh họa)
Những tấm bằng giả được phát hiện (ảnh minh họa)

Câu hỏi đặt ra tại sao việc sử dụng bằng giả để vào cơ quan nhà nước và nhiều trường hợp được cơ cấu vào những chức vụ quan trọng lại dễ dàng đến thế? công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện như thế nào... và trong các cơ quan nhà nước hiện nay còn bao nhiêu người sử dụng bằng giả chưa bị phát hiện. Đây là câu hỏi mà cần có lời giải đáp của cơ quan có thẩm quyền.

Việc sử dụng bằng giả bị phát hiện đương nhiên phải bị xử lý như không cơ cấu vào các chức vụ quan trọng, chịu xử lý các hình thức kỷ luật... Tuy nhiên, nhiều địa phương viện lý do họ có nhiều đóng góp cho chính quyền địa phương nên vận động cán bộ, công chức sử dụng bằng giả đi học để được bố trí công việc một cách hợp lý(?).

Đây là cách xử lý không thỏa đáng, bởi việc sử dụng bằng giả để đủ điều kiện làm cán bộ, công chức là không trưng thực, lừa dối tổ chức và được nhận lương do nhà nước chi trả một cách không xứng đáng.

Vì vậy khi phát hiện sử dụng bằng giả ngoài chịu các hình thức kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng (nếu là đảng viên) và các hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức, đồng thời với đó là bị truy thu lương và phụ cấp đã nhận kể từ thời điểm sử dụng bằng giả cho đến khi bị phát hiện, trong trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn với cách xử lý đối với cán bộ, công chức xài bằng giả như thời gian qua thì không đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm, dẫn đến tình trạng một số đối tượng muốn "chui" vào cơ quan nhà nước để được hưởng lương một cách bất hợp pháp với suy nghĩ "một ăn cả, ngã vẫn có lời" đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp.

Mặt khác, hiện nay cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực vào cơ quan nhà nước quá coi trọng về bằng cấp mà chưa quan tâm đúng mức đến năng lực công tác, nên nhiều trường hợp, khi tuyển dụng vào cơ quan thì không có khả năng làm việc nhưng vẫn nhận lương theo kiểu "đến hẹn lại lên" là thực trạng cần có giải pháp xử lý.

Bên cạnh đó, những trường hợp cán bộ, công chức xài bằng giả, nhưng không xử lý với hình thức buộc thôi việc là không công bằng với lực lượng sinh viên tốt nghiệp có sức khỏe, trình độ, kiến thức và có khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, đối với những trường hợp cán bộ, công chức sử dụng bằng giả khi bị phát hiện cần phải xử lý thật nghiêm, nhằm răn đe, ngăn ngừa vi phạm, góp phần làm cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Theo Minh Đức (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum)/ Báo Lao động