1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Các nước phải điều chỉnh tiền lương, đãi ngộ để thu hút lao động Việt"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Nêu thực tế lượng lao động Việt tại Ả Rập Xê Út đang giảm dần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị quốc gia Trung Đông điều chỉnh tiền lương, đãi ngộ để thu hút nhân lực.

Chiều 9/4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp, làm việc với ông Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ả Rập Xê Út tại Việt Nam.

Vui mừng chào đón Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, cuối năm 2023, khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Ả Rập Xê Út, ông có ấn tượng rất tốt về đất nước Trung Đông.

Các nước phải điều chỉnh tiền lương, đãi ngộ để thu hút lao động Việt - 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp ông Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Việt Nam (Ảnh: Gia Đoàn).

Trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Mohammed Ismaeil A. Dahlwy nhấn mạnh, mối quan hệ Việt Nam - Ả Rập Xê Út phát triển vượt bậc những năm vừa qua. Các hoạt động của lãnh đạo hai nước, trong đó có chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị ASEAN-GCC hết sức có ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích đối với hai quốc gia.

Ngay sau chuyến thăm đó, tháng 12/2023, kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ả Rập Xê Út được tổ chức. Tại đây, hai bên thống nhất đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề. Đồng thời, phía Ả Rập Xê Út mong muốn tiếp nhận nhiều lao động có tay nghề của Việt Nam trong ngành du lịch và nhiều lĩnh vực khác.

Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về lao động xem xét, điều chỉnh và ký kết lại Hiệp định tiếp nhận lao động giúp việc gia đình (MOU) cũng như thúc đẩy việc ký kết hiệp định tuyển dụng lao động lành nghề của Việt Nam.

Các nước phải điều chỉnh tiền lương, đãi ngộ để thu hút lao động Việt - 2

Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy mong muốn tiếp nhận nhiều lao động Việt trong thời gian tới (Ảnh: Gia Đoàn).

Đáp lời Đại sứ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định Ả Rập Xê Út là một quốc gia rất tiềm năng, có nhiều lợi thế. Ông nhấn mạnh, nếu mối quan hệ giữa hai nước được đẩy lên tầm cao mới, tận dụng tối đa tiềm năng sẽ mở ra cơ hội lớn về hợp tác phát triển kinh tế cũng như hợp tác về lao động.

Ở khía cạnh khác, việc khai thác chưa tưng xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên, nhất là về nhân lực và đào tạo. Trong khi thực tế, Ả Rập Xê Út hiện cần nhân lực ở nhiều ngành nghề, Việt Nam có nguồn lao động phong phú. Lý do  là vì những khác biệt về thể chế, luật pháp cũng như khoảng cách địa lý…

Các nước phải điều chỉnh tiền lương, đãi ngộ để thu hút lao động Việt - 3

Ả Rập Xê Út mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực lao động (Ảnh: Gia Đoàn).

Bộ trưởng thông tin, hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam làm việc tại Ả Rập Xê Út, ở các lĩnh vực như xây dựng, dầu mỏ, giúp việc gia đình… Một vấn đề thực tế là số lượng lao động giảm dần qua các năm. Trong khi đó, năm 2023, Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở các nước.

Ông chỉ rõ có nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ. Trước hết là việc khôi phục lại Hiệp định tiếp nhận lao động. Bộ trưởng gợi mở, có thể mở rộng thêm các lĩnh vực, ngành nghề mà hai bên có tiềm năng hợp tác như công nghiệp, khai thác dầu khí, cơ khí và các ngành nghề thế mạnh của lao động Việt Nam.

Tiếp đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, hai bên cần quan tâm vấn đề đào tạo kỹ năng nghề, chuyên môn, ngoại ngữ… cho lao động trước khi đi, giúp họ sớm thích nghi với môi trường làm việc mới.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị Đại sứ Ả Rập Xê Út thông tin cụ thể những ngành nghề, lĩnh vực đang thiếu lao động, số lượng nhân lực cần bổ sung cũng như điều kiện tiếp nhận.

Vấn đề khác Ả Rập Xê Út cần giải quyết, theo Bộ trưởng, là về tiền lương và thu nhập. Phía bạn cần điều chỉnh chính sách đãi ngộ để thu hút người lao động.

"Đời sống của người Việt Nam hiện nay tương đối tốt. Do đó, nếu mức thu nhập tại Ả Rập Xê Út không cao hơn ở Việt Nam, người lao động sẽ lựa chọn quốc gia khác", Bộ trưởng nói.