Cà Mau: Chỉ đạo triển khai cho vay trả lương ngừng việc do Covid-19

Huỳnh Hải

(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiếp tục việc triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc tới người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong tháng 10/2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cà Mau đã có công văn về việc tham mưu chỉ đạo triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến chính sách, giúp người lao động hiểu rõ được quyền lợi được hưởng khi doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia vay vốn theo Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cà Mau: Chỉ đạo triển khai cho vay trả lương ngừng việc do Covid-19 - 1

Chủ tịch Cà Mau chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, tăng cường giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo chính sách hiệu quả, đúng quy định, đến đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Chủ tịch Cà Mau yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cục thuế, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội nhanh chóng cung cấp thông tin, dữ liệu thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị để làm cơ sở cho việc rà soát, kiểm tra, xác định đối tượng, điều kiện cho vay và tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Qua thống kê trước đó, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 124.070 đối tượng được Chủ tịch UBND tỉnh này phê duyệt hưởng hỗ trợ với tổng số tiền trên 137,519 tỷ đồng, do ảnh hưởng của Covid-19.

Cụ thể, tỉnh đã chi hỗ trợ nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, nghèo và cận nghèo là 106.366 đối tượng, số tiền trên 119,753 tỷ đồng.

Với nhóm đối tượng (hộ kinh doanh, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương), các địa phương đã chi hỗ trợ 13.356 đối tượng, với tổng số tiền hơn 13,356 tỷ đồng.