Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Niềm tin của người dân về an sinh xã hội là vô giá

Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dẫn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, 68% người dân đánh giá tốt về chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam hiện nay…

Con số này được Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương năm 2020 diễn ra sáng nay (29/12).

Đạt mục tiêu kép trong khó khăn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: "Nhìn lại 4 năm qua, nhất là khi nhiều nước rơi vào suy thoái trong năm 2020, Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu kép trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo, hoạt động đối ngoại tích cực giúp nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng".

Có được kết quả trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc kiên trì mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Điều này đã được nhất quán triển khai từ Trung ương xuống cơ sở. Trong đó các chính sách an sinh xã hội được hiện thực hóa trong từng chủ trương pháp luật, để đảm bảo quyền an sinh của người dân theo Điều 34 của Hiến pháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Niềm tin của người dân về an sinh xã hội là vô giá - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu trước Chính phủ (ảnh: Quốc Chính).

Nhìn tổng thể các chính sách, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh nhiều kết quả vượt bậc. Đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh được mở rộng, mức thụ hưởng không ngừng được nâng lên.

Đến nay, 99,7% hộ người có công được đảm bảo cuộc sống hơn mức trung bình trên địa bàn, cả nước cơ bản không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, 100% đối tượng bảo trợ xã hội nhận được sự bảo trợ cần thiết, trợ cấp thường xuyên.

Người cao tuổi, người neo đơn được chăm sóc, đảm bảo cuộc sống. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đứng thứ 110/189 quốc gia. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng thông tin thêm, khảo sát gần đây nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, niềm tin của nhân nhân về chính sách xã hội, số người đánh giá ở mức độ tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc so với năm 2019. Bộ trưởng nhận định, đây là kết quả vô giá với việc đánh giá chính sách điều hành lĩnh vực an sinh xã hội.

Việc thực hiện chỉ số giảm nghèo đa chiều của Việt Nam tiến triển nhanh, cả nước về đích trước 10 năm so với mục tiêu thiên niên kỷ và là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều được quốc tế công nhận. 5 năm qua, tốc độ giảm nghèo đạt 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 đến 2020 còn 2,75% năm.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 5 năm qua, cả nước cũng tạo được việc làm mới cho trên 8 triệu người. Tỷ lệ chuyển đổi lao động nông nghiệp từ mức 45% năm 2015 giảm xuống còn 32% ở thời điểm hiện nay. Với tỷ lệ thất nghiệp 2,48%, ở khu vực đô thị là dưới 4%, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có mức thất nghiệp thấp nhất thế giới...

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thông tin, trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã hỗ trợ 31.000 tỷ đồng, trong đó khoản chi ngân sách là 12.900 tỷ đồng cho hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng.

"Xét về tổng quan trong khu vực ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá làm tốt hơn về an sinh xã hội. Mức đầu tư cho an sinh chiếm 21% chi GDP là cao nhất trong số các nước ASEAN" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Niềm tin của người dân về an sinh xã hội là vô giá - 2

Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia hội nghị trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Quốc Chính)

Nâng chuẩn nghèo đi kèm cải cách tiền lương

Tuy nhiên, tư lệnh ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, như: Tỷ lệ bao phủ của chính sách thấp, nhất là với nhóm đối tượng người già, người sống ở khu vực nông thôn, lao động ở khu vực phi chính thức; tỷ lệ đói nghèo khu vực đồng dân tộc thiểu số còn cao, sự chênh lệch giàu nghèo trong cả nước lớn, giảm nghèo chưa thực sự bền vững làm giảm đi chất lượng giảm nghèo...

Nhận định về năm 2021 tới, Bộ trưởng nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ là phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người làm mục tiêu và động lực phát triển. Qua đó, người dân được hưởng một cách trực tiếp nhất thành quả cách mạng, tạo môi trường mà tại đó ai cũng có cơ hội đóng góp cho với sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Niềm tin của người dân về an sinh xã hội là vô giá - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quốc Chính)

Bộ trưởng nêu kế hoạch tiếp tục tập trung củng cố những trụ cột của chính sách an sinh xã hội như chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn, chăm lo cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng, mở rộng và nâng dần mức thụ hưởng của người nghèo, người khuyết tật, người già, nhất là người già neo đơn, quyết tâm xử lý hành vi ngược đãi với người yếu thế…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sáng nay (29/12), theo chỉ đạo của Thủ tướng, các lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bộ trưởng Tài chính đã thống nhất sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn mới.

Theo đó, dự kiến, mức chuẩn nghèo nâng lên 1,5 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn, 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị. Thời gian áp dụng chuẩn nghèo mới này sẽ cùng lúc với việc cải cách chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, năm 2021, cả nước chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở. Theo đó, tỷ lệ 2,75% hộ nghèo hiện nay, mục tiêu Chính phủ giao là giảm 1,1-1,5% là việc rất khó khăn vì tuyệt đại bộ phận người trong nhóm này nằm ở "lõi" nghèo, ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn.

Giải pháp giảm nghèo

Để có thể giải quyết bài toán giảm nghèo ở khu vực "lõi", Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu 3 "chìa khóa" là tăng trưởng kinh tế để giải quyết tận gốc đói nghèo; tách những người không thể thoát nghèo do tật nguyền, già cả, neo đơn sang hướng hưởng trợ cấp xã hội, Nhà ước sẽ cố gắng nâng dần mức trợ cấp lên; phân công vùng giàu, người giàu đỡ đầu vùng nghèo, người nghèo, cán bộ, đảng viên có điều kiện giúp đỡ hộ nghèo. Tương tự đề xuất này, tại Hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nêu đề xuất tổ chức "kết nghĩa" để 63 tỉnh, thành, mỗi tỉnh "kết nghĩa", hỗ trợ 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước.