Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Lao động tự do bị giảm thu nhập sâu nhất…”
(Dân trí) - “Nhóm lao động tự do rất khó xác định về định tính lẫn định lượng, thậm chí cả tiêu chí công việc. Nhưng đây lại là nhóm lao động bị ảnh hưởng và giảm thu nhập sâu nhất do dịch Covid-19”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ về những thác thức trong triển khai chính sách hỗ trợ 7 nhóm lao động bị tác động của đại dịch Covid-19, trong đó có nhóm lao động tự do.
Khó định lượng và định tính
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 6/7 nhóm đối tượng nhận hỗ trợ được nêu trong Nghị quyết số 42/NQ-CP tương đối rõ và việc triển khai sẽ thuận lợi hơn sau khi có Quyết định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ cụ thể do Thủ tướng ban hành.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điều khó nhất là việc xác định cũng như triển khai hỗ trợ tới nhóm đối tượng cuối cùng trong Nghị quyết 42/NQ-CP. Đây là những lao động không có hợp đồng lao động hay tạm gọi là lao động tự do.
“Điều này cũng là những trăn trở của đông đảo các tầng lớp xã hội. Mấy ngày qua, tôi đã đọc các tờ báo có lượng bạn đọc lớn, trong đó có Báo điện tử Dân trí thì thấy rõ những phản ánh, thắc mắc chính đáng của bạn đọc về vấn đề này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
“Dù khó xác định nhưng lao động tự do lại là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều và sâu nhất của dịch Covid-19. Do đó dù khó thế nào thì cũng vẫn phải làm được” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Điểm vướng mắc lớn là việc xác theo định tính, định lượng hay tiêu chí công việc đều chưa thể có kết quả đúng và đủ về nhóm lao động tự do. Chưa kể việc tìm ra lời giải cho bài toán giải quyết nhanh nhất và hạn chế tối đa các sai sót trong thực hiện rà soát, chi trả tới nhóm lao động này.
Có thêm đối tượng đặc thù ở địa phương
Về số lượng, con số thống kê của các địa phương sắp gửi về ước sẽ khá lớn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đơn cử: "Chỉ riêng với 21 công ty kinh doanh xổ số kiến thiết từ Ninh Thuận đến Cà Mau đã sử dụng khoảng 100.000 người bán vé số. Chưa kể tới số lao động làm việc ở các lĩnh vực như nhà hàng dịch vụ, ăn uống và chăm sóc sức khoẻ...".
Liên quan tới lộ trình triển khai chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Sau khi Thủ tướng ký ban hành quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ cụ thể, các Bộ, ngành liên quan sẽ ban hành tiếp các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn. Qua đó nhằm cung cấp cơ sở để các địa phương khảo sát, đánh giá và hệ thống danh sách cụ thể.
Bộ trưởng cũng lưu ý, các đối tượng lao động tự do được nêu trong Quyết định 42/NQ-CP mới là nhóm chính. "Còn lại dựa vào quá trình triển khai ở từng nơi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất cho phép các địa phương có thể căn cứ vào thực tiễn để bổ sung thêm các đối tượng lao động tự do khác bị mất việc hoặc bị giảm sâu thu nhập".
Tuy nhiên để hạn chế tình trạng bổ sung không đúng đối tượng, tránh trục lợi ở từng địa phương, việc bổ sung cần đáp ứng thêm các tiêu chí riêng.
"Theo đó, những đối tượng này phải đang được xếp ở dưới mức chuẩn nghèo quy định ở nông thôn hoặc thành thị, tuỳ vào nơi thực hiện thống kê" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
7 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 42/NQ-CP
Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương.
Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020.
Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Hoàng Mạnh