Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Không để gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo"
(Dân trí) - Ngày 12/7, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm những tồn tại trong thực hiện chế độ cho các đối tượng chính sách, tiến tới không để gia đình chính sách và người có công nào thuộc diện hộ nghèo…
Phiên làm việc giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và đại diện các cơ quan Bộ LĐ-TB&XH với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về công tác lao động, thương binh và xã hội 6 tháng đầu năm 2019.
Sớm giải quyết các hồ sơ chính sách tồn đọng
Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác tại phiên làm việc, ông Phan Văn Linh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, công tác thực hiện chính sách về lao động, người có công và xã hội trong 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
"Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhóm giải pháp cấp bách để tạo việc làm mới cho 7.710 lao động, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, toàn tỉnh đã có 55.230 người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 89,5% kế hoạch năm" - ông Phan Văn Linh cho biết.
Trong công tác Thương binh, liệt sĩ và người có công, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản ưu đãi trợ cấp cho đối tượng người có công với đất nước.
Đời sống người có công với cách mạng ngày càng được nâng cao, đã có trên 99% gia đình chính sách có mức sống ngang hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh cũng đã tập trung thụ lý và giải quyết trên 2.400 hồ sơ các loại liên quan đến chính sách người có công với cách mạng… Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn 108 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ tồn đọng, chưa được giải quyết xong. Ngoài ra còn khoảng 800 hồ sơ về chất độc da cam.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thương binh, xã hội. Chăm lo chu đáo nơi an nghỉ của các liệt sĩ, quan tâm đến vấn đề nhà ở cho các đối tượng có công.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đề xuất với lãnh đạo Bộ các vấn đề liên quan.
Công tác đào tạo nghề hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác phân luồng học sinh đã đạt được kết quả bước đầu.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nêu lên các khó khăn của địa phương, như: nguồn nhân lực còn thấp, lao động chưa qua đào tạo nên chưa đáp ứng được xu thế phát triển. Việc giảm nghèo bền vững chưa đạt yêu cầu, khó nhất là 2 huyện miền núi. Áp lực tệ nạn xã hội, ma túy cao. Việc tồn đọng chính sách thời hậu chiến, trong đó có 800 hồ sơ chất độc da cam, các chính sách khác chưa được giải quyết triệt để.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đề xuất với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH một số điểm cần được quan tâm, tháo gỡ: Hiện địa phương chưa có trường Cao đẳng nên chưa giải quyết được bài toán đào tạo nghề, đề nghị Bộ xem xét.
"Ngoài 2 nghĩa trang Quốc gia, còn 70 nghĩa trang khác đã có sự hỗ trợ nhưng chưa đủ kinh phí để hỗ trợ người trông coi, chăm sóc nghĩa trang. Tỉnh cần sự hỗ trợ, chỉ đạo xử lý triệt để hồ sơ liên quan đến đối tượng chính sách còn tồn đọng, nhất là các đối tượng chất độc da cam..." - Bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị cho biết.
Liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ đề nghị công nhận là người có công còn tồn đọng, ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) - cho hay, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành cơ bản việc phân loại các hồ sơ.
Đối với 108 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, Cục và các cơ quan chức năng sẽ giải quyết dứt điểm trong thời gian vài tháng tới. Riêng với các hồ sơ chất độc hóa học vẫn còn vướng mắc ở việc giám định.
Liên quan tới các trường hợp hồ sơ tồn đọng, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Đàm Minh Thu cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Y tế để thẩm định lại đối với các trường hợp này. Sau khi có kết quả, Bộ sẽ có hướng giải quyết cụ thể đối với 800 hồ sơ chất độc da cam. Theo bà Thu, Quảng Trị vẫn còn khoảng 2.000 hồ sơ chưa giải quyết.
Không để gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Trị đã đạt được thời gian qua trong công tác chăm lo, thực hiện công tác lao động, thương binh và xã hội.
Bộ trưởng lưu ý, tỉnh Quảng Trị cần tập trung hơn nữa các giải pháp hỗ trợ để không gia đình chính sách, có công nào thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, chăm lo giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện bình đẳng giới.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chú ý đào tạo nghề, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm chế độ cho các đối tượng chính sách.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng đồng ý sẽ cấp kinh phí cho trung tâm Điều dưỡng Người có công Quảng Trị cũng như hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đưa đối tượng bảo trợ xã hội về quản lý tại Trung tâm đặt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.
Về đề xuất thành lập trường Cao đẳng nghề của UBND tỉnh, Bộ trưởng đồng ý về chủ trương nhưng yêu cầu phải đầu tư bài bản, chất lượng, hướng đến xây dựng một trường Cao đẳng đa ngành, đa nghề, đa chương trình. Việc đào tạo cần liên kết với doanh nghiệp và xã hội.
Đối với những kiến nghị về nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng đã giao cho các cơ quan thuộc Bộ và tỉnh cùng làm việc để sớm có hướng giải quyết…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng quà cho tỉnh Quảng Trị để thực hiện công tác chính sách.
Tặng 11 nhà tình nghĩa trị giá 620 triệu đồng
Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã trao tặng: 11 nhà tình nghĩa có tổng trị giá 620 triệu đồng; 1 tỷ đồng cho Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; 40 triệu đồng cho Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ; 1 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Trị; 5 suất quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Đ. Đức